Ở đó, có ba nhà văn nữ

Chúng ta dễ nhận thấy, trong quá trình hình thành và phát triển nền văn học chung của cả nước, các nhà văn phái đẹp Nam bộ đã luôn sát cánh với các nhà văn giới mày râu. Đầu thế kỷ XX, phát huy truyền thống dòng văn học yêu nước của các sĩ phu, đại diện nữ giới có Nguyễn Thị Manh Manh, Mộng Tuyết… Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh là một trong những người nhiệt thành ủng hộ và cổ súy Thơ Mới. Nữ sĩ Mộng Tuyết thành công bằng sáng tác trong phong trào Thơ Mới (1930-1945).

Sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, 20 năm chống Mỹ, văn học Nam bộ vắng bóng các nhà văn nữ. Thế nhưng, sau ngày giải phóng, các nhà văn nữ xuất hiện rất ấn tượng. Trong đó, ba nhà văn nữ Dạ Ngân, Trầm Hương, Nguyễn Ngọc Tư chỉ viết văn xuôi. Ba nhà văn nữ Nam bộ tạo nên một bức tranh đẹp, nhiều ý tưởng.

Ở đó, có ba nhà văn nữ ảnh 1Nhà văn DẠ NGÂN (Lê Hồng Nga), sinh 1952, quê Long Mỹ, Hậu Giang. Chị tâm sự: “Rất nhiều lần tôi tự hỏi: Nếu không có chiến trận, nếu không chịu cảnh mồ côi cha từ sớm, nếu không có cuộc hôn nhân do chiến tranh thu xếp, thì liệu tôi có thể trở thành nhà văn không. Tôi tin những trang viết của tôi được sinh ra từ chính những chất liệu đó của cuộc sống và tôi cảm ơn sự run rủi của văn chương…”.

Dạ Ngân có số phận của hàng triệu người con gái, phụ nữ miền Nam thời chiến, bằng tình yêu và năng khiếu, chị trở thành nhà văn… Những tác phẩm của Dạ Ngân có tính chuyên nghiệp và giàu suy tưởng, có lẽ do hoàn cảnh. Năm 14 tuổi, Dạ Ngân vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ. Chị tự học, tự đọc để nâng cao kiến thức, trình độ. Năm 1993 đi học Trường Viết văn Nguyễn Du và làm việc tại Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội. Dạ Ngân có 4 giải thưởng văn học, trong đó có giải 3 cuộc thi truyện ngắn Báo SGGP (1990). 11 tác phẩm (gồm 5 tập truyện, 4 tiểu thuyết truyện dài, 2 tập ký, tạp văn), xuất bản đều đặn từ 1986 hầu như là viết về quê hương Nam bộ với những ngươi dân chất phác, ngay thẳng, phóng khoáng.

Dạ Ngân tự tin: “Tôi tôn thờ sự lựa chọn của mình và tôi luôn cố gắng”…

Nhà văn TRẦM HƯƠNG (Bùi Thị Thủy) sinh năm 1963, quê Bình Đại, Bến Tre; kỹ sư nông học, cử nhân đạo diễn điện ảnh, thạc sĩ báo chí. Làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Trầm Hương có điều kiện tiếp xúc với những người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Nam bộ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Văn chương đến với chị là thể hiện một thái độ sống có trách nhiệm - phải văn chương hóa lịch sử, phải hình tượng nghệ thuật hóa con người và cuộc sống.

11 tác phẩm văn học gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết; 3 kịch bản phim truyện nhiều tập; 6 kịch bản phim tài liệu thời sự… cho thấy sức sáng tác dồi dào của Trầm Hương. Chất anh hùng ca là phẩm cách của hình tượng nhân vật trong văn chương của chị. Trầm Hương có 2 giải thưởng: Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và tiểu thuyết của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Trầm Hương nói: “Thực tế cho tôi bài học rằng, nếu như khởi đầu trang viết bằng tấm lòng trong sáng, nồng nhiệt, nhà văn được cuộc đời đền bù xứng đáng… Khi ngòi bút mang lại sự công bằng, an ủi cho những số phận bị lãng quên, tôi thấy mình hạnh phúc”.

Ở đó, có ba nhà văn nữ ảnh 2Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ, tên chị vừa là tên khai sinh vừa là bút danh. Sinh năm 1976, quê Đầm Dơi, Cà Mau. Phóng viên Tạp chí Bán đảo Cà Mau thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau và báo Tiếp thị. Cô gái hay cười hết cỡ và có vẻ đẹp chân quê này thành nhà văn nổi tiếng tự nhiên, bình dị như bông lúa, bông tràm, như con nước nổi nước ròng.

Trong 6 giải thưởng văn chương của Nguyễn Ngọc Tư có giải thưởng lớn - giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và giải thưởng Văn học ASEAN, với tập truyện “Cánh đồng bất tận”.

Viết văn từ năm 1996, Nguyễn Ngọc Tư có 6 tập truyện và 6 giải thưởng văn học… chứng tỏ chị là nhà văn có tài.

Truyện của chị bình dị, chân thực và sinh động về con người và quê hương nông thôn Nam bộ. Văn chương tìm đến Nguyễn Ngọc Tư như bông hoa tự tỏa hương và hương thơm đó đã quyến rũ lòng người. Người ta viết, nói về chị nhiều… còn chị chỉ cười vui: “Đến ông xã tui còn không biết tui là nhà văn sáng tác nữa là…”.

Theo Lưu Xá (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm