Ô tô bán tải, vé số Vietlot...bị đề nghị tăng mạnh thuế

Chiều 15-8, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về đề xuất dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Thuế tài nguyên.

Tại đây, đại diện Bộ Tài chính đã chia sẻ rất nhiều thông tin mới về đề xuất chính sách thuế và nếu những chính sách này được thông qua sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Dự kiến dự luật này sẽ được trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 9-2017.

Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cơ quan trực tiếp chủ trì soạn thảo, cho biết Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Mục tiêu là để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Cụ thể, theo quy định hiện hành của Luật Thuế TNCN, biểu thuế lũy tiến gồm bảy bậc với mức thuế suất 5%-35%. Trong đó đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%; 5-10 triệu đồng, thuế suất 10%; 10-18 triệu đồng, thuế suất 15%; 18-32 triệu đồng, thuế suất 20%; 32-52 triệu đồng, thuế suất 25%; 52-80 triệu đồng, thuế suất 30%; trên 80 triệu đồng, thuế suất 35%.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua thực tế có nhiều ý kiến cho rằng biểu thuế trên không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc. Đơn cử như quá nhiều bậc thang, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp.

“Số lượng quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp không nhiều. Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc xác định số thuế phải nộp” - đại diện Bộ Tài chính giải thích.

Từ đó Bộ Tài chính đề xuất nên giảm số bậc thuế xuống chỉ còn năm bậc, quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Điều chỉnh thu nhập tính thuế ở tầng bậc theo số làm tròn chẵn. Cụ thể, đến 10 triệu đồng, thuế suất 5%; trên 10-30 triệu đồng, thuế suất 10%; trên 30-50 triệu đồng, thuế suất 20%; trên 50-80 triệu đồng, thuế suất 28%; trên 80 triệu đồng, thuế suất 35%.

Ông Thi cho rằng với việc sửa biểu thuế này thì hầu hết cá nhân sẽ được giảm số thuế phải nộp so với hiện nay nhờ khoảng cách giãn giữa các bậc thu nhập đã được nới rộng và thuế suất ở các bậc thuế được điều chỉnh xuống thấp hơn.

“Đặc biệt việc điều chỉnh này sẽ có tác động tích cực đến người nộp thuế ở bậc 1 và 2, trong khi những người có thu nhập ở các bậc cao hơn vẫn không thay đổi thuế suất” - ông Thi giải thích thêm.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế với ô tô tải nhưng giảm thuế với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: QUANG HUY

Trúng độc đắc Vietlott có thể phải nộp thuế 30%

Trong dự thảo luật này, Bộ Tài chính đề nghị thay đổi mức thuế đối với thu nhập trúng thưởng. Bộ Tài chính giải thích: Theo quy định hiện tại của Luật Thuế TNCN thì thu nhập từ trúng thưởng sẽ áp dụng thuế suất 10% cho phần giá trị trúng thưởng trên 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ khi xuất hiện loại hình trả thưởng của xổ số Vietlott đã có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên tính toán lại mức thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng để phù hợp với hình thức xổ số Vietlott bởi mức đóng thuế ở Việt Nam quá ít so với người trúng số độc đắc ở Mỹ.

Do đó Bộ Tài chính đề xuất cho sửa thuế suất với thu nhập từ trúng thưởng đến 5 tỉ đồng phải chịu thuế suất 10%; từ trên 5 đến 10 tỉ đồng, mức thuế suất nâng lên 20% và trên 10 tỉ đồng, thuế suất phải chịu lên tới 30%.

“Với mức điều chỉnh trên sẽ điều tiết hợp lý thuế TNCN, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước” - Bộ Tài chính nhận định.

Trả lời câu hỏi tại sao mức thuế đối với trúng thưởng có giá trị hàng chục tỉ đồng cao nhất chỉ 30%, thấp hơn mức thuế TNCN thông thường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi đáp: “Hoạt động trúng thưởng là thu nhập đột xuất, trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập thường xuyên nên phải có sự khác nhau về thuế suất”.

Bộ Tài chính đề xuất cho sửa thuế suất với thu nhập từ trúng thưởng đến 5 tỉ đồng phải chịu thuế suất 10%; từ trên 5 đến 10 tỉ đồng, mức thuế suất nâng lên 20% và trên 10 tỉ đồng, thuế suất phải chịu lên tới 30%

Nước ngọt sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối với thuế TTĐB, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất bổ sung nước ngọt gồm loại có gas, không gas, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp - trừ nước trái cây và rau quả có 100% tự nhiên - là đối tượng chịu thuế TTĐB.

Cụ thể, Bộ đề ra hai phương án: Phương án 1 là mức thuế TTĐB áp dụng là 10% từ năm 2019 và phương án 2 là 20% từ năm 2019.

Bộ Tài chính lý giải đồ uống có đường là nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (tim mạch, tiểu đường).

Hơn nữa ở Việt Nam, tỉ lệ người trưởng thành bị tăng cân, béo phì chiếm 25% dân số, đối với trẻ em dưới năm tuổi thì tỉ lệ béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Đặc biệt tại TP.HCM, tỉ lệ này lên đến 10,8%, cao hơn mức trung bình của châu Á.

“Bên cạnh đó, để định hướng, hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB với mặt hàng nước ngọt. Ví dụ, Thái Lan quy định nước ngọt có gas không cồn chịu thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440 cc; Lào thu thuế nước ngọt có gas không cồn ở mức 5% và nước tăng lực 10%...” - đại diện Bộ Tài chính so sánh.

Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô bán tải có thể tăng hai lần

Tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi cho hay qua nghiên cứu rà soát, các nước trong khu vực thường áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe pick-up hay xe bán tải) ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với ô tô chở người dưới chín chỗ.

“Do vậy để bảo đảm đúng mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Loại này chủ yếu có dung tích 2.000-3.000 cm3 nên nếu thuế suất là 55% như xe từ chín chỗ trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%. Theo quy định hiện tại, mức thuế TTĐB với dòng xe này dao động từ 15% đến 25% tùy dung tích xi lanh” - ông Thi phân tích.

Như vậy nếu đề xuất này được thông qua, thuế TTĐB với một số dòng xe bán tải sẽ tăng từ 1,5 lần đến hơn hai lần. Đồng nghĩa giá xe bán tải sẽ tăng lên nhiều so với hiện tại.

Nếu đề xuất được thông qua, thuế TTĐB với một số dòng xe bán tải sẽ tăng từ 1,5 lần đến hơn hai lần

Tăng thuế TTĐB xe bán tải nhập khẩu, song Bộ Tài chính cũng đề xuất ưu đãi giá tính thuế TTĐB với dòng ô tô sản xuất trong nước. Theo đó bộ này đề xuất giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô dưới chín chỗ, sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

“Việc tính thuế TTĐB như trên nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu. Nếu đề xuất này được thông qua, giá ô tô sản xuất trong nước có thể giảm đáng kể, có khả năng cạnh tranh với ô tô nhập khẩu” - đại diện Bộ Tài chính giải thích.

Bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá

Để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Phương án 1 là áp thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp, tức cả thuế suất tỉ lệ và thuế suất tuyệt đối. Theo quy định, lộ trình thuế TTĐB với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%.

Theo phương án này, ngoài tỉ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020 mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021 mức thuế sẽ tăng lên 85%.

Bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính cũng đề xuất hai phương án xử lý đối với quy định quyết toán thuế TNCN. Phương án 1 là bỏ quyết toán thuế, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính thuế TNCN hằng tháng theo biểu thuế lũy tiến; cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thuế thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân. Phương án này không ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân nộp thuế.

Đối với thu nhập vãng lai (không ký hợp đồng lao động) thì khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả, không được tính giảm trừ gia cảnh, kể cả thu nhập vãng lai từ nhiều nguồn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng phương án 1 có nhược điểm là không phù hợp với thông lệ quốc tế là thuế TNCN phải được tính trên tổng thu nhập trong năm từ tất cả các nguồn và chỉ áp dụng một biểu lũy tiến. Ngoài ra, với nguyên tắc tính thuế trên sẽ không thu thuế được từ cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo các hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Còn phương án 2 là giữ nguyên quy định quyết toán thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng bổ sung quy định ngưỡng tiền thuế dưới 300.000 đồng thì không xử lý hoàn thuế hoặc phải nộp thêm.

Đề xuất tăng thuế GTGT với nước sạch

Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án. Theo phương án 1, đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ 1-1-2019. Phương án 2 đề nghị tăng theo lộ trình lên 12% từ 1-1-2019 và 14% từ 1-1-2021.

Bên cạnh đó, với lý do áp dụng thuế suất 5% sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề, Bộ Tài chính đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ sang áp thuế GTGT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới