Bộ trưởng Dũng tự hào về điều đó. Bởi Luật Đầu tư công đã được ban hành và kế hoạch đầu tư trung hạn được triển khai. Ông chỉ đạo các vụ, cục trong Bộ thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến qua cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư. Các địa phương không còn phải lên Bộ để trình và “xin” phê duyệt kế hoạch.
Hôm qua (24-9), khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019, Bộ trưởng Dũng lại nói: “Thông thường thời điểm này các địa phương phải về Bộ để báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm và chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm sau.
Nhưng từ năm 2017, Bộ đã thấy cách làm kế hoạch cũ không còn phù hợp nên đề nghị thay đổi. Thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, Bộ sẽ làm theo quy mô từng vùng” - Bộ trưởng Dũng nói và nhấn mạnh hội nghị trực tuyến là việc “đổi mới mạnh mẽ” hơn nữa.
Thật ra đây không hẳn chỉ là phát kiến và cách làm việc mới của Bộ KH&ĐT nhưng nó là một hành động “quyết liệt và dũng cảm”. Bởi với thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, dự án, vốn… rất có thể ngành kế hoạch luôn phải đứng trước những “cám dỗ”.
Trước đó, lác đác ở vài cơ quan trung ương, việc nộp hồ sơ, làm các thủ tục trực tuyến cấp độ 4 đã được triển khai. Ngay như ở Văn phòng Chính phủ thì việc này cũng được đích thân Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thực hiện.
Trong lần trả lời phỏng vấn nhân dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và mong muốn về một “chính phủ phi giấy tờ”.
“Tôi đi công tác vẫn xử lý hồ sơ ở nhà. Hồ sơ của người dân, doanh nghiệp hay hồ sơ của bộ, ngành, địa phương đang chuyển tới vụ nào, ai theo dõi và đang làm gì đều có thể nắm được. Hay văn bản khi vừa phát hành sẽ đến ngay được địa chỉ nhận, thay vì việc cứ phải điện thoại thông báo đến lấy văn bản như cách cũ...” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói vậy.
Thực ra ai cũng biết việc thực hiện liên thông, một cửa, phi giấy tờ là rất tốt cho cả Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Bởi chỉ cần một cú click chuột thì tất cả sẽ đều thông suốt. Nguy cơ tham nhũng chẳng những bị đẩy lùi, mà ngay cả việc tiết kiệm “văn phòng phẩm” cũng mang lại một khoản không nhỏ cho ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, chính phủ điện tử vẫn còn… xa. Ngoài những lý do muôn thuở như tài chính, hạ tầng công nghệ… thì có những lý do mà không nói ai cũng biết. Có lẽ khi nào các bộ sẵn sàng không để khu vực cổng bộ thành nơi đỗ ô tô của các địa phương, khi đó chính phủ điện tử mới thực sự hết lực cản.