Không chỉ vậy, du khách còn có xu hướng khám phá tuyến hoặc điểm du lịch mới. Làng Cù Lần là một nơi hội tụ cả hai xu hướng đó, mới nhất trong “bản đồ” du lịch Lâm Đồng, đồng thời có một không gian tuyệt diệu để thỏa sức... “nào, ta cùng team buiding!”.
Khách tham gia “du lịch địa hình” bằng xe jeep.
Sống trong cái đẹp
Một không gian thi vị, lãng mạn giờ đây có lẽ chỉ được trọn vẹn khi lữ khách chịu dấn bước đi khỏi trung tâm phố núi Đà Lạt ngoài hai mươi cây số. Tôi đã phóng xe trực chỉ đường 722, ngang qua thung lũng Vàng, đập nước Suối Vàng, hồ Đankia… Hàng cây thông bên đường loang loáng vút qua. Dọc đường, thỉnh thoảng bắt gặp bảng gỗ mộc hướng dẫn đi đến “Làng du lịch Cù Lần”. Tôi bật cười trước cái tên ngộ nghĩnh, đơn sơ.
Những nhánh lá hồng, xanh của một loại cây bụi đong đưa trước gió. Mộc mạc mà duyên dáng quá đi. Tôi được cho biết đó là cây cù lần, được dùng làm biểu tượng logo của làng Cù Lần; cũng trên logo còn có hai đôi mắt no tròn gợi nhớ đến loại động vật bé nhỏ (con cù lần). Vài thập niên trước đây ở khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), có nhiều con cù lần sinh sống nhưng nay biệt dạng hẳn. Chủ nhân của làng du lịch, anh Văn Tuấn Anh, sau đó kể: “Con cù lần được chúng tôi đi tìm để bảo tồn một loại thú hiếm, bắt đầu với khoảng mười con nho nhỏ, xinh xinh”.
Làng du lịch Cù Lần xuất hiện trước mắt tôi như một nơi chốn dành cho tình yêu thân thiện với thiên nhiên. Một không gian của cái đẹp ngự trị - trong từng tiểu cảnh, từng họa tiết kiến trúc của từng căn nhà, nơi hồ nước, con suối, cầu treo…; trong sinh hoạt của một ngôi làng phục dựng, được vòng tay thung lũng chở che.
Đường dẫn tới làng Cù Lần với “logo” ngộ nghĩnh.
Đến với Cù Lần để được chiêm ngắm và sống trong cái đẹp. Tôi thích ngay trong lần đầu chạm mắt: nơi đây không đua tranh bằng những biệt thự sang trọng của resort, nơi đây là làng, đã vậy, làng “Cù Lần”. Khói thấp thoáng len sau những ngọn đồi, sau những mái nhà, nao lòng lắm.
Vườn hoa trong cụm tiền cảnh của làng Cù Lần vàng rực, màu vàng của hoa kim châm. Màu vàng còn được dát thoai thoải trên sườn đồi, màu vàng trước dãy nhà tựa như nép mình với nhau dọc con đường lát đá ngoằn ngoèo. Một hồ nước uốn lượn, hứng lấy bóng của núi rừng soi xuống.
Tôi nhìn thấy một “vọng hồ các”, làm bằng tre, vắt vẻo trên cao. Một đôi nam nữ ngồi thảnh thơi dõi mắt nhìn xuống mặt hồ sóng sánh. Và cánh rừng thông chập chùng bao quanh, ẩn chứa sức mạnh vừa vững chãi vừa bao dung.
Ở trọ giữa rừng hoa
Để gọi là làng, điều thiết yếu nhất phải nằm ở sự gợi dậy ký ức của mỗi người về một chốn nào đó đã trở thành “linh hồn” cho cả quãng đời nhân sinh. Làng Cù Lần đang xuất hiện như một khởi đầu cho ký ức như vậy.
Chủ nhân của làng Cù Lần là người yêu thích hội họa. Giữa thung lũng đại ngàn, thật bất ngờ khi có hẳn một nhà triển lãm tranh, với nhiều họa phẩm từ Bắc tới Nam, trong khi ngay tại trung tâm Đà Lạt chưa có một nơi triển lãm mở cửa suốt tuần như thế này. Và đề tài làng trở thành nổi bật, là “hồn” trong không gian mỹ thuật của Cù Lần.
Cán bộ, nhân viên Petro Vietnam vui chơi giữa thung lũng Cù Lần.
“Xin đừng hỏi yêu em nhiều ít. Em ơi nhìn suối chảy ngày đêm. Em hãy đếm cù lần khoe bóng. Em cứ đong cạn nước vơi nguồn… Dâng em lối nhỏ xinh uốn quanh hồ xanh suối vắng. Dâng em mái nhà tranh khuất trong màn sương chiều về… Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà…”. Đó là những dòng ca từ do chính Văn Tuấn Anh sáng tác, bởi chủ nhân cũng là một nhạc sĩ. Trong ca khúc, có câu “Xin ở đây, ở mãi nơi này”, tức là rủ rê... ở trọ giữa rừng.
Khi màn đêm buông xuống, nghệ thuật cồng chiêng của người Lạch vang lên, tạo sự kết nối ấm áp với du khách giữa sương lạnh bao phủ. Bãi cỏ rộng rãi với những vòng tròn chất củi đốt lửa. Đội cồng chiêng nhún nhảy, âm thanh vang vọng núi rừng. Du khách ngồi bên vò rượu cần, “vít” ống để uống. Ngọn lửa, rượu cần và những điệu chiêng ngân vang… chuyển tải tâm thức của núi, tâm thức của làng nơi thung lũng vùng cao.
Góp phần tạo nên sự thú vị cho du khách, phải kể đến… cái ăn nữa. Du khách thưởng thức món heo tộc nướng, cháo tái, gà nướng, cùng các loại rau trồng ngay tại thung lũng vừa “thanh”, vừa “sạch”. Người ưa sự đơn giản thì có khi chỉ cần món khoai lùi thơm phức cũng đủ khoái. Nói theo ngôn ngữ thời đại, khoai lang, khoai mì nướng thuộc loại “fast food”.
“Nào, ta cùng… team building”
Du khách có thể tùy chọn phương tiện xê dịch. Hoặc dạo bộ thong thả trên mặt đất bằng phẳng, rồi bấm bàn chân để leo dốc, thưởng thức… hơi thở hổn hển của chính mình. Mệt trước, khỏe sau. Hoặc trở thành một nài ngựa, hoặc ngồi trên xe thổ mộ để ngỡ mình sống lạc vào quá khứ. Đặc biệt nhất là “du lịch địa hình” dạo chơi trên những chiếc xe jeep ngoằn ngoèo. Hầu như du khách nào khi tới đây đều “đặt chỗ” để nhảy phóc lên đoàn xe jeep, họ reo lên trước những cảnh quan bất ngờ mở ra, đàng sau những ngọn đồi. Xe băng qua dòng suối róc rách, nhiều du khách nhảy suống ngâm chân xuống dòng nước mát lạnh, ngắm cánh hoa mua tim tím run rẩy soi mình xuống suối.
Đội cồng chiêng người Lạch ở Cù Lần.
Du khách, đặc biệt là giới trẻ (và những người… không chịu già) ưa thích đong đưa trên hai chiếc cầu treo, rồi thử sức mình khi leo lên ngọn đồi được đặt tên Trời Ơi (bởi có người leo lên tới nơi thì thở dốc kêu “trời ơi”, lại có người bất ngờ khi đứng từ trên ngọn đồi nhìn xuống buột miệng: “Trời ơi… sao đẹp quá!”).
Làng Cù Lần có ưu thế khi sở hữu một hồ nước xanh trong, một cảnh quan thung lũng rộng rãi thích hợp cho xu thế du lịch “team building”, cắm trại dã ngoại. Tôi không ngờ là có nhiều đơn vị đồn nhau về làng Cù Lần rồi kéo đến, có lúc họ đi cả ngàn người như Tập đoàn Petro Vietnam, Imexpharm, Tập đoàn Mead Johnson, rồi International Bank, Viet Premier JSS… Thầy giáo, sinh viên của Đại học Kinh tế, Đại học Đà Lạt, các trường phổ thông kéo nhau đến vui vẻ cả một góc rừng. Giới doanh nghiệp lữ hành như Du lịch Hoàn Mỹ, Lửa Việt, Viet Travel… lũ lượt đưa đoàn tới. Té ra… không chỉ mình tôi mới “mơ mộng” về thú vui ở trọ giữa rừng.