ODA cho Việt Nam năm 2012 đạt gần 7,4 tỉ USD

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG Meeting) cho VN với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo” diễn ra vào ngày 6-12, tại Hà Nội. Hội nghị đã bàn về tái cơ cấu, gồm có tái cấu trúc trong ba lĩnh vực: đầu tư công, ngân hàng-tài chính và cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Khuyến cáo VN khẩn trương tái cơ cấu

Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhấn mạnh: “Những rủi ro tại khu vực tài chính cần được giải quyết không chậm trễ. (…) Hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, cho dù là từ ngân hàng nhà nước hay từ ngân hàng thương mại quốc doanh, hoặc bằng những kiểm soát hành chính như trần lãi suất huy động, thì tốt nhất cũng chỉ là một giải pháp tạm thời vì chúng không giải quyết được các vấn đề về quản trị và hiệu suất”. Ông khuyến cáo VN thắt chặt các quy định về điều tiết và giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo cho các cơ quan thanh tra được ủng hộ về mặt chính trị một cách đầy đủ và dứt khoát.

ODA cho Việt Nam năm 2012 đạt gần 7,4 tỉ USD ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG SƠN

Bà Latifah Merican Cheong, cố vấn Ủy ban Chứng khoán của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF, nêu một số nguyên tắc về tái cấu trúc ngân hàng, như phải xác định rõ các mục tiêu, thời gian thực hiện và kết quả đạt được (ví dụ nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ), tái cấu trúc ngân hàng phải đi kèm với phát triển thị trường chứng khoán để phân tán rủi ro, đa dạng hóa các hoạt động cung cấp vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc tái cơ cấu cũng có khía cạnh chính trị, đó là phải có sự cam kết và tham gia tích cực từ những cấp lãnh đạo cao nhất.

Ông Sanjay Kalra phát biểu: “Cải cách các DNNN là rất quan trọng để giảm rủi ro cho nền kinh tế và tăng trưởng dài hạn. DNNN đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Họ sử dụng phần lớn tín dụng cho nền kinh tế mà giờ đã khan hiếm, đầu tư trong nhiều trường hợp không hiệu quả, nợ của các DNNN này đã phủ một bóng đen lên hệ thống tài chính và niềm tin của thị trường, bằng chứng là các trường hợp Vinashin và EVN”. Vị đại diện của IMF cũng nói ông hoan nghênh việc DNNN thoái vốn khỏi các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính nhưng đề nghị tăng cường quản lý, giám sát và minh bạch.

EU đề nghị thúc đẩy chống tham nhũng

Đại diện của nhóm các nhà tài trợ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao việc VN kiên định với chương trình ổn định kinh tế vĩ mô được đề ra trong Nghị quyết 11. Tuy nhiên, vị đại diện của EU cũng cảnh báo: “Xu hướng đưa ra các chính sách và biện pháp mang tính bảo hộ có thể cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa ra hình ảnh không có lợi về VN, một nền kinh tế vốn được coi là cởi mở và hội nhập toàn diện”.

EU đặc biệt nhấn mạnh ba vấn đề “có tính chất then chốt”. Đó là đảm bảo “tăng trưởng xanh” (bảo vệ môi trường), giải quyết bất bình đẳng xã hội và cải thiện quản trị công, chống tham nhũng. “Tham nhũng vẫn cản trở nghiêm trọng tới sự phát triển của VN. (…) Khoảng cách giữa chính sách và thực tế thực hiện vẫn lớn. Để xóa khoảng cách này cần sự lãnh đạo mạnh mẽ về chính trị và các hành động dũng cảm, cải thiện việc tiếp cận thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho giới truyền thông tự tin và tự do phát triển và tác nghiệp…”.

ông Stale Torstein Risa, Đại sứ Na uy tại VN, cũng nói: “Khi VN tiến lên trở thành một nền kinh tế tri thức, điều đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo rằng quyền tự do biểu đạt ý kiến và tiếp cận thông tin không bị ngăn trở. (…) Một xã hội dựa trên nền tảng pháp quyền và độc lập về tư pháp là điều quan trọng sống còn để VN tiếp tục phát triển bền vững, nhằm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”.

Đáp lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định VN là một nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân. “VN luôn nhất quán coi tự do và dân chủ của người dân là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Song mọi công dân thực hiện quyền tự do dân chủ của mình phải trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Tôi rất mong các quý vị tôn trọng và chia sẻ nguyên tắc này của VN” - Thủ tướng nói.

Thay mặt Chính phủ VN, Thủ tướng cũng cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện hài hòa giữa duy trì ổn định kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong năm 2012, VN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý để vẫn đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

Khác với mọi lần, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG Meeting) cho VN cuối năm nay diễn ra chỉ trong vòng một ngày, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở châu Âu lan rộng, các nước phát triển tiếp tục đương đầu với thâm hụt ngân sách và bất ổn kinh tế, bản thân VN đang trải qua lạm phát cao. Tuy nhiên, vào cuối ngày, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn công bố tổng số tiền ODA mà các nhà tài trợ cam kết dành cho VN trong năm 2012 đạt tới 7.386 triệu USD và khẳng định “đây là kết quả hết sức tích cực”.

Tái cơ cấu thị trường tài chính bao gồm việc từng bước giảm việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng, mở rộng huy động vốn qua thị trường chứng khoán và các định chế tài chính khác. Tổ chức tín dụng theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, nâng cao chất lượng tín dụng…

(Nguồn: Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị CG tháng 12-2011)

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm