Ớn thịt có chất cấm còn rượu độc thì không

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, đặt câu hỏi với Sở Công Thương TP tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm vào chiều 16-3.

Ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết trên địa bàn TP hiện có hơn 600 hộ dân nấu rượu thủ công, chủ yếu tập trung ở các quận vùng ven và ngoại thành. “Huyện Bình Chánh có 95 hộ nấu rượu, Hóc Môn trên 140, Củ Chi gần 280 hộ…” - ông Bính nói.

Cho dù biết rượu không nguồn gốc có thể gây hại nhưng nhiều người vẫn uống.

Cho dù biết rượu không nguồn gốc có thể gây hại nhưng nhiều người vẫn uống. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo ông Bính, việc yêu cầu các hộ nấu rượu thủ công với mục đích kinh doanh phải đăng ký với địa phương thực sự không dễ do họ chỉ nấu rượu với quy mô nhỏ, không liên tục.

“Bên cạnh đó, mỗi lần cơ quan chức năng kiểm tra thì các hộ này đóng cửa. Đâu chỉ vậy, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh có mức tiền phạt rất cao. Do đó, nếu kiểm tra và áp dụng biện pháp xử phạt sẽ không khả thi” - ông Bính cho biết.

Ông Bính cho biết thêm nhận thức về pháp luật của hộ nấu rượu thủ công chưa cao. Do vậy, sản phẩm rượu nấu ra không được kiểm soát theo quy định pháp luật. “Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc rượu đối với người sử dụng” - ông Bính nêu quan điểm.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết người tiêu dùng nghe nói thịt còn tồn dư chất cấm thì sợ, tuy nhiên nói tới rượu độc thì không ai quan tâm.

“Khách tới dự tiệc nhà người quen. Do mến khách nên chủ nhà mời ly rượu trắng. Chẳng lẽ trước khi uống khách hỏi chủ nhà rượu ai nấu hoặc mua ở đâu. Thôi thì cứ uống” - bà Lan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm