Ông 65 đòi ly hôn bà 63 tuổi

Ông P. (65 tuổi, ngụ xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) và bà Ng. (63 tuổi) cưới nhau từ năm 1974. Đến năm 1998 thì hai ông bà đi đăng ký kết hôn. Hai ông bà chung sống hạnh phúc với nhau và có tất cả năm người con. Hiện người con lớn của ông bà cũng đã 44 tuổi, người con nhỏ nhất 32 tuổi.

Sống chung mấy chục năm mới thấy không hợp

Đến khoảng năm 2002, ông P. cho rằng tính tình giữa ông với bà Ng. không còn hợp nhau nữa. Vì vậy vợ chồng ông thường xảy ra mâu thuẫn, liên tục phát sinh tranh cãi, xích mích. Nhưng vì cả hai đều đã lớn tuổi, vì gia đình, các con và để đẹp mặt với sui gia nên ông bà đã cố gắng nhường nhịn nhau để duy trì mối quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa vợ chồng ông vẫn không thể khắc phục được mà ngày một sâu sắc, kéo dài liên tục. Đặc biệt, thực tế ông P. cũng đã sống ly thân với bà Ng. hơn 10 năm. Do không thể duy trì được mối quan hệ vợ chồng nên ông P. gửi đơn ra tòa yêu cầu được ly hôn với bà Ng. Theo ông P., con chung thì tất cả đều đã trưởng thành, có gia đình, còn về tài sản chung ông không yêu cầu tòa giải quyết.

TAND huyện Thạnh Phú, Bến Tre đã thụ lý giải quyết vụ án. Trình bày với tòa, bà Ng. cho rằng mâu thuẫn giữa hai người bắt đầu từ năm 2002. Lý do là bà phát hiện ông P. có quan hệ tình cảm với người đàn bà khác. Dù đã ly thân hơn 10 năm nhưng bà không đồng ý ly hôn vì trong thâm tâm bà vẫn còn yêu thương ông P. Bà yêu cầu tòa tạo điều kiện để bà được hàn gắn tình cảm vợ chồng với ông P.

Tòa đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng đều không thành nên đã quyết định mở phiên xét xử, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông P. cho hai người ly hôn. Sau đó bà Ng. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét sửa án, bác yêu cầu ly hôn của ông P.

Tòa: Không có chứng cứ ngoại tình

Trong phiên tòa phúc thẩm tại TAND tỉnh Bến tre mới đây, bà Ng. trình bày rằng ông P. có quan hệ với nhiều người đàn bà khác nên mới đòi ly hôn với bà. Ông P. đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nên yêu cầu ly hôn của ông P. được tòa sơ thẩm chấp nhận là không hợp lẽ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ng. trình bày: Tại phiên tòa sơ thẩm có hai nhân chứng nói ông P. có quan hệ với nhiều người đàn bà khác nhưng không được ghi trong bản án sơ thẩm. Về nội dung này, kiểm sát viên cũng hỏi người làm chứng nhưng cũng không được ghi trong biên bản phiên tòa sơ thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng. Vì thế luật sư đề nghị HĐXX nếu không sửa án, chấp nhận kháng cáo của bà Ng. thì phải hủy án để xét xử sơ thẩm lại.

HĐXX phúc thẩm cho rằng bà Ng. nói ông P. vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng thời điểm đó bà không thực hiện quyền khiếu nại. Hơn nữa, đến thời điểm xét xử vẫn chưa có quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt ông P. về nội dung này.

Việc trong bản án và biên bản phiên tòa sơ thẩm không ghi đầy đủ lời khai thì theo BLTTDS, đương sự có quyền yêu cầu tòa xem lại biên bản phiên tòa để bổ sung, sửa đổi. Nhưng thực tế bà Ng. đã không thực hiện quyền này nên không có căn cứ để hủy án sơ thẩm.

Theo HĐXX, bà Ng. kháng cáo không đồng ý ly hôn, mong muốn hàn gắn, tình cảm vợ chồng với ông P. nhưng tại tòa phúc thẩm, bà không nêu được biện pháp nào để hàn gắn, đoàn tụ vợ chồng. Trong khi ông P. vẫn một mực và kiên quyết đòi ly hôn với bà Ng. chứng tỏ quan hệ vợ chồng giữa ông P. với bà Ng. đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Theo tòa, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông P. là phù hợp. Bà Ng. kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ gì mới chứng minh cho kháng cáo của mình nên không có căn cứ để chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm