Ông bà có được dẫn cháu đi làm căn cước không?

(PLO)- Ông bà có thể dẫn cháu đi làm căn cước nếu ông bà là người đại diện hợp pháp theo pháp luật quy định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Con trai và con dâu tôi không may bị tai nạn qua đời. Nhiều năm qua, hai cháu nhỏ sống cùng tôi và được tôi chăm sóc.

Xin hỏi, tôi có dẫn cháu tôi đi làm căn cước được không?

Bạn đọc Lý Hưng (TP.HCM)

Dẫn cháu đi làm căn cước.jpeg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 19 Luật Căn cước 2023, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023, người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:

Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Bên cạnh đó, Căn cứ quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 thì Đại diện theo pháp luật của cá nhân là: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện theo quy định; Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

Do đó, về nguyên tắc, đối với con chưa thành niên, người đại diện theo pháp luật sẽ là cha mẹ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người đại diện có thể là người giám hộ theo luật quy định. Trường hợp không xác định được cha, mẹ hay người giám hộ là người đại diện thì việc xác định người đại diện cho con chưa thành niên được Tòa án chỉ định.

Như vậy, với những quy định trên, ông bà có thể dẫn cháu đi làm căn cước nếu ông bà là người đại diện hợp pháp theo pháp luật quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm