Ở Bưu điện trung tâm TP.HCM có một góc để bảng “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”. Cụ ông dáng gầy, tóc bạc, chậm rãi soi kính lúp lên trang thư tiếng Việt rồi viết lại bằng tiếng Anh. Người bên cạnh kiên nhẫn chờ đợi. Nhiều người ngoại quốc đã xin chụp ảnh ông làm kỷ niệm.
Những lá thư kết nối yêu thương
Cụ ông tên là Dương Văn Ngộ (sinh năm 1930). Những khách hàng của ông đến nhờ ông dịch thư cho biết họ tin tưởng ông sẽ chuyển ngữ được theo đúng tâm ý của họ. Một người khách cho biết: “Các trung tâm dịch thuật có thể chuyển tải nội dung nhưng khó chuyển tạo được tâm tình như cách dịch của ông Ngộ”.
Một cô gái ở quê lên TP làm việc, có cơ duyên làm quen với một chàng trai ngoại quốc. Dù cả hai hay trao đổi email với nhau nhưng vốn tiếng Anh của cô rất hạn chế. Vì vậy, cô đến nhờ ông viết một bức thư dài nói hết tình cảm của mình. Nghe cô trình bày, ông đã vui vẻ viết giúp cô một bức thư mà không lấy tiền.
Ông cũng viết thư miễn phí cho một người mẹ có con rể ở Pháp sau khi nghe câu chuyện của hai gia đình rất tình cảm. Bà cho biết bà không biết sử dụng công nghệ nên không biết cách gửi email, không biết dùng Internet trợ giúp dịch thuật. Ông dặn bà không phải áy náy bởi ông làm vì niềm vui chứ không phải lo chuyện cơm áo nữa.
Trước đây, mỗi ngày ông dịch hàng trăm bức thư gửi cho những người yêu thương nhau khắp nơi trên thế giới. Thời đó chưa có Internet và smartphone, nghề dịch thư, dịch thuật phát triển rất mạnh, thu nhập khá cao. Từ khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, rất ít người còn muốn viết thư tay. Nhiều người muốn viết thư điện tử, họ tìm đến các trung tâm dịch thuật hoặc nhờ công cụ dịch có sẵn trên mạng. Công việc của ông nhàn tản dần, các đồng nghiệp của ông hầu hết đã bỏ nghề, người trẻ không còn ai theo nghề nữa.
Mỗi ngày ông Ngộ đạp xe đến Bưu điện Trung tâm ngồi chờ những vị khách nhờ dịch thư. Ảnh: BTC
Giữ hồn cho nét chữ viết tay
Ông chỉ nhận tiền thù lao cho những lá thư có nội dung khó, bỏ nhiều công sức lao động. Với những tấm bưu thiếp hoặc thư đơn giản, ông hay viết miễn phí. Dù tuổi cao sức yếu, bàn tay cũng đã run nhưng chữ trong trang thư ông viết vẫn rất đẹp và thanh thoát.
Hiện nay trung bình mỗi ngày ông nhận viết khoảng 5-6 lá thư với giá 5.000-15.000 đồng/trang. Ông có thể chuyển ngữ giữa các ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt. Theo ông Ngộ, dịch nội dung rất dễ nhưng chuyển được thái độ, tính cách và phông văn hóa người viết mới khó. Vì vậy ông thường trò chuyện với khách hàng, hiểu hoàn cảnh của họ, hiểu được tâm tư của họ để dịch thư cho hay nhất.
Mỗi ngày ông vẫn đạp xe đến Bưu điện trung tâm ngồi chờ những vị khách nhờ dịch thư. Khi rảnh, ông thường trò chuyện với các vị khách nước ngoài, thuyết minh với họ về những tấm bưu thiếp, về văn hóa, nếp sống của người Việt Nam.
“Nơi chỉ dẫn và viết giúp”, dòng chữ nằm khiêm tốn nơi góc nhỏ của Bưu điện trung tâm TP cùng với chủ nhân của nó đã góp phần làm nên phần hồn rất riêng cho mảnh đất này.
Giải thưởng KOVA lần 14 - 2016 Sáng 17-12, lễ trao giải thưởng KOVA đã được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Giải thưởng KOVA năm 2016 gồm bốn hạng mục: Kiến tạo, Nghị lực, Sống đẹp và Triển vọng. Kiến tạo (các công trình khoa học mang lại hiệu quả cho cộng đồng) được trao cho tập thể BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM với công trình “Chế phẩm hồng cầu đông lạnh” giúp lưu trữ lâu dài (gần 10 năm) các nhóm máu hiếm để cứu chữa kịp thời những bệnh nhân có nhóm máu hiếm. Phương pháp thông thường máu chỉ có thể lưu giữ được 42 ngày. Công trình này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, là một bước tiến cho kỹ thuật đông lạnh. PGS-TS-BS Tạ Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhân dân Gia Định, cũng được trao giải này với công trình tạo ra loại sữa có độ đạm cao giúp bệnh nhân nuôi ăn bằng ống thông. Lượng sữa cần nuôi ít hơn nhưng hiệu quả cải thiện dinh dưỡng tốt hơn các loại sữa trên thị trường và giá chỉ bằng 1/4. Điều này đã giúp người nghèo giảm được chi phí điều trị. Ban tổ chức cũng đã trao giải Sống đẹp (những việc làm tốt đẹp, nhân văn) cho hai tập thể và bốn cá nhân gồm: tập thể Lữ đoàn Đặc công 126 (Quân chủng Hải quân); tập thể y, bác sĩ khoa Phục hồi chức năng, Làng Hòa Bình - BV Từ Dũ; Thiếu tá Phạm Văn Sơn - thuyền trưởng tàu 375 (Lữ đoàn 162, Vùng 4, Quân chủng Hải quân); bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất; chị Trần Thị Quyên, Trường ĐH Hoa Sen. Hạng mục Triển vọng dành cho 16 sinh viên xuất sắc đã có thành tích nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, ở hạng mục Nghị lực, ban tổ chức cũng đã trao hơn 110 suất học bổng (8 triệu đồng/suất) cho các sinh viên nghèo học giỏi trên toàn quốc. Giải thưởng KOVA được thành lập vào năm 2002, do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch giải thưởng. Từ năm 2012 vị trí này được chuyển giao cho nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. HUYỀN VI Ông Dương Văn Ngộ (ảnh) được vinh danh ở hạng mục Sống đẹp của giải thưởng KOVA vì đã viết hàng ngàn bức thư tay bằng tiếng Anh, Pháp, Việt; giúp kết nối yêu thương của người dân, du khách bốn phương. Hình ảnh của ông cùng Bưu điện TP.HCM từng xuất hiện trên các báo nước ngoài đã góp phần giới thiệu hình ảnh đẹp của Việt Nam với du khách quốc tế. |