Cử tri quận Thanh Khê phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng sáng 28/4 (Ảnh: HC) |
Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm tại biểu tiếp xúc là tình trạng “lạm phát” cấp tướng, cấp tá. Theo cử tri Hà Ngọc Trước (phường Thanh Khê Đông), quân đội và công an là các lực lượng nòng cốt giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, nhưng trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, dân còn nghèo, Chính phủ còn nghèo thì việc phong tướng, tá tràn lan như thời gian qua khiến dư luận không đồng tình.
“Theo tôi nghĩ, nếu đất nước ta xảy ra chiến tranh thì đó là chiến tranh toàn dân. Quân đội, công an chúng ta với chừng đó lực lượng chỉ để kìm chân địch lại thôi, mà cái chính phải là chiến tranh nhân dân. Địch thì tốc chiến, tốc thắng, còn ta lấy trường thắng đoản, dựa vào chiến tranh toàn dân. Đánh Mỹ cũng thế, đánh Pháp cũng thế. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, nước ta chỉ có vài chục vị tướng.
Nay đất nước đang thời bình, làm gì cấp tướng lên tới hàng trăm vị? Còn cấp tá bây giờ là đại tá đội trưởng đội CSGT, thiếu tá trung đội trưởng vệ binh, thiếu tá cấp dưỡng anh nuôi... Thời chúng tôi, trung đoàn trưởng anh hùng chỉ là đại úy. Phong tướng, tá như hiện nay là quá loãng, chưa kể khi về hưu còn lên một cấp nữa. Như thế là quá đáng, trong lúc tiền của dân rất khó khăn. Tôi đề nghị Quốc hội nên kiểm tra lại cái này, không có nước nào đề bạt như Việt Nam cả đâu!” – ông Hà Ngọc Trước nói.
Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định “không phản đối” ý kiến của cử tri Hà Ngọc Trước, song ông lý giải “nếu so với thời trước, cách đây hơn nửa thế kỷ, với bây giờ thì cũng khác nhau. Quân đội đông hơn, công an cũng đông hơn, nhiệm vụ cũng nhiều lên… nên cũng không tránh khỏi được (chuyện phong cấp tướng, cấp tá nhiều lên – PV)”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Bá Thanh cũng xác nhận: “Trong kháng chiến chống Mỹ chỉ có bảy mươi mấy vị tướng thôi, bây giờ lực lượng quân đội cũng đông, công an cũng đông, nhiệm vụ càng ngày càng nặng nề. Tất nhiên tôi nói lại là tôi không phản đối ý kiến của cử tri Hà Ngọc Trước. Dư luận người ta nói rất nhiều về chuyện phong tướng. Sắp tới đây sửa đổi Luật Công an nhân dân và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân thì sẽ rõ hơn”.
Ông Nguyễn Bá Thanh: "Dư luận người ta cũng nói rất nhiều về chuyện phong tướng!" (Ảnh: HC) |
Cử tri Nguyễn Thị Tám (tổ 54 phường Thạc Gián) đặt câu hỏi: “Tôi theo dõi thấy nhà nước phong tướng rất nhiều nhưng sao chưa thấy có ông tướng nào ở Trường Sa””. Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời: “Trường Sa quan trọng như thế nhưng cũng gọi là huyện Trường Sa. Mình ở đây có ông nào ở cấp huyện mà phong tướng đâu? Đúng không? Thì làm sao có cấp huyện mà phong tướng!”.
Liên quan đến vấn đề giáo dục, cử tri Võ Khắc Mai (cử tri tổ 42, phường Thanh Khê Đông) cho rằng trước khi cải cách SGK thì cần cải cách chương trình giáo dục phổ thông. Do hiện nay mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông chưa rõ từng cấp tiểu học, THCS, THPT cần học những cái gì, mà nhồi nhét tất cả các kiến thức của xã hội bắt học sinh phải học, rất rườm rà nhưng không có tác dụng.
“Không nên kéo dài tình trạng các nhà viết SGK muốn đưa tất cả các kiến thức bác học của mình vào SGK, buộc học sinh phải học vẹt. Nếu bây giờ chưa làm rõ được cấp phổ thông học bao nhiêu năm, gồm những kiến thức nào mà đã cải cách SGK, vài năm sau xác định phổ thông học chừng này năm, với chừng này kiến thức, thì những SGK vừa được cải cách lại phải vứt bỏ để làm lại” – cử tri Võ Khắc Mai nói.
Ông Nguyễn Bá Thanh cho hay, về vấn đề cải cách sách giáo khoa, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời, tinh thần chung là rút lại việc cải cách sách giáo khoa sau năm 2015, để tập trung lo chương trình giáo dục phổ thông trước rồi mới đến sách giáo khoa.
Đối với đề xuất của cử tri Bùi Đình Toàn (khu vực Chính Trạch 2, phường Tân Chính) về việc sinh viên đại học cần mặc đồng phục để đảm bảo nề nếp, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Ý tưởng này cũng hay, nhưng bây giờ soạn ra mỗi trường mỗi loại đồng phục như thế có nên không? Cái đó giải quyết được vấn đề gì? Đúng là vào trường thấy sinh viên ăn mặc loạn ngậu xị cũng không sướng lắm, nhất là lên giảng đường mỗi anh mặc một kiểu. Nhưng tôi qua Anh, qua Úc thấy sinh viên cũng ăn mặc lung tung, không có mặc đồng phục lên giảng đường. Thế mà tại sao người ta vẫn đào tạo ra hay như thế?”.
Và ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “Cái quan trọng là ý thức của sinh viên, kiến thức mà họ tiếp thu và chương trình đào tạo như thế nào, có tiên tiến hay không? Giảng viên đại học có giỏi không, có phương pháp sư phạm để truyền thụ kiến thức không? Cái đó quan trọng hơn, còn đồng phục cũng cần nhưng mức độ thôi, lo tập trung cho chuyện kia, mà chuyện kia hiện nay đang bị dư luận chưa đồng tình. Chất lượng của mình còn thua kém nhiều nước tiên tiến. Mình chưa có trường đại học nào có tên tuổi trong khu vực!”.