Ông Trần Thanh Mẫn: Phải bảo mật thông tin người ứng cử

Chiều 4-3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu
tại phiên họp. Ảnh: MTTQ

Từ 15-3, bắt đầu kiểm tra, giám sát công tác bầu cử

Hội nghị tập trung thảo luận về kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, dự kiến đợt 1 sẽ tiến hành từ ngày 15-3 đến 13-4. Theo kế hoạch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức năm đoàn kiểm tra, giám sát; mỗi đoàn sẽ kiểm tra, giám sát tại ba địa phương cấp tỉnh và một địa phương cấp huyện ở mỗi tỉnh.

Các nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm việc quán triệt các văn bản chỉ đạo triển khai công tác bầu cử, việc hướng dẫn triển khai, tổ chức tập huấn các nội dung về chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngoài ra, các đoàn còn hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy trình giới thiệu người ứng cử; công tác tuyên truyền về bầu cử; kết quả thực hiện các quy trình giới thiệu người ứng cử; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử…

Hướng dẫn, giải đáp cho các địa phương về công tác bầu cử

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo công tác bầu cử, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặc biệt đánh giá cao các ban, đơn vị chuyên môn đã bố trí cán bộ tiếp công dân và giải đáp hướng dẫn công tác bầu cử cũng như sẵn sàng tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về bầu cử.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Chỉ đạo công tác bầu cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn, giải đáp cho các địa phương, các tổ chức thành viên về công tác bầu cử. Song song với đó, thực hiện quy trình, thủ tục giới thiệu người của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ứng cử ĐBQH.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị việc tổ chức các đoàn giám sát phải thiết thực, tránh trùng lặp. Các đoàn cần giúp cho địa phương sửa sai kịp thời, nếu có hiện tượng cố ý làm sai, không đảm bảo khách quan, không đúng quy trình, thủ tục, điều kiện thì lập tức phản ánh để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

“Qua công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời. Việc này nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân” - ông Trần Thanh Mẫn nói.

Về hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo công tác bầu cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chú trọng tới việc lưu giữ, tiếp nhận hồ sơ, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo thời gian hoàn thành hồ sơ của người ứng cử ĐBQH. Ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý phải bảo mật thông tin đối với người ứng cử.

Công bố 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ủy ban Bầu cử quốc gia vừa công bố Nghị quyết số 64 về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Theo nghị quyết, tổng số đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XV trong cả nước là 184.

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, TP trực thuộc trung ương được ấn định cụ thể.

Theo đó, TP Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử, số ĐBQH được bầu là 29; TP.HCM có 10 đơn vị bầu cử, số ĐBQH được bầu là 30; TP Hải Phòng có ba đơn vị bầu cử, số ĐBQH được bầu là 9.

TP Đà Nẵng có hai đơn vị bầu cử, số ĐBQH được bầu là 6; TP Cần Thơ có ba đơn vị bầu cử, số ĐBQH được bầu là 7... THOA

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm