ỨNG CỬ VIÊN Đại biểu HĐND TP.HCM TRẦN VĂN BẢY - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP TP.HCM:

Ông Trần Văn Bảy: ‘Đeo bám đến cùng bức xúc của cử tri’

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021, nói: “Thông qua các ý kiến của cử tri, tôi thấy nổi lên là vấn đề thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nhà đất. Cử tri cho rằng TTHC đang gây phiền hà cho người dân”.

Phải mở đợt tổng rà soát về thủ tục hành chính

. Phóng viên: Theo ông, giải pháp nào để có thể giải quyết bức xúc này của người dân?

+ Ông Trần Văn Bảy: Tôi cần nói rõ là hầu hết TTHC hiện nay là do văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của các cơ quan ở trung ương quy định. Theo tôi, việc cần làm ngay là phải mở đợt tổng rà soát và đánh giá khách quan xem TTHC nào là cần thiết và thủ tục nào thật sự không cần thiết, thủ tục nào đang gây phiền hà cho người dân để kiên quyết sửa đổi hoặc bãi bỏ.

Việc này trước đây đã làm nhưng chưa triệt để. Phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc rà soát và đánh giá TTHC. Đồng thời để việc rà soát, đánh giá được khách quan và toàn diện thì cần phát huy vai trò của người dân trong việc phản ánh, kiến nghị, vai trò của các cơ quan truyền thông, vai trò của các hiệp hội và đặc biệt là vai trò của giới luật sư, luật gia, các nhà khoa học pháp lý trong việc đề xuất, hiến kế, phản biện về TTHC.

Ứng cử viên Trần Văn Bảy đang trao đổi với cử tri quận Tân Bình. Ảnh: LÊ THOA 

Đối với các dự thảo VBQPPL có chứa đựng TTHC mới thì phải có đánh giá tác động theo quy định một cách nghiêm túc và thực chất.

Cần lưu ý là Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực vào 1-7-2016 đã nghiêm cấm việc quy định TTHC trong thông tư của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND các cấp, trừ trường hợp được giao trong luật.

. Qua công tác tư vấn giải quyết những vấn đề pháp lý cho chính quyền TP.HCM thời gian qua, ông có đề xuất, kiến nghị gì để góp phần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN)?

+ Tôi nhận thấy vướng mắc lớn về pháp lý đối với TP là sự không tương thích của nhiều quy định pháp luật với thực tiễn và đặc thù của TP chúng ta. Nói cách khác, TP.HCM là một đô thị đặc biệt nhưng lâu nay vẫn phải mặc “chiếc áo pháp lý nông thôn” nên khi đi vào giải quyết những việc cụ thể thì gặp vướng mắc, ảnh hưởng đến người dân và DN. Sở Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho TP nghiên cứu, đề xuất với trung ương cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho chính quyền TP trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ những vướng mắc đó, góp phần tạo động lực phát triển cho TP, nâng cao chất lượng sống của người dân, để nơi đây trở thành đầu tàu, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trong nhiều trường hợp quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước không phù hợp, ảnh hưởng đến người dân và DN. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng theo tôi, có nguyên nhân là do thiếu trình tự, thủ tục và cơ chế kiểm soát, giám sát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền. Tôi kiến nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng luật ban hành quyết định hành chính. Tôi tin rằng nếu có và thực thi nghiêm túc luật này thì sẽ khắc phục cơ bản tình trạng các quyết định hành chính xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN.

“Sẽ đeo bám đến cùng bức xúc của cử tri”

. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đó, thưa ông?

+ Đúng thế, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, theo tôi chính là thái độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân và DN. Thông qua công tác tư vấn pháp lý những vụ việc cụ thể, tôi nhận thấy một số trường hợp cán bộ, công chức ngại trách nhiệm, chưa làm tròn bổn phận, vô cảm, quan liêu, tham mưu không đảm bảo chất lượng, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực, tư lợi. Do vậy, rất cần thiết phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm công vụ, xác định rõ trách nhiệm và địa chỉ cụ thể để thưởng, phạt nghiêm minh.

. Khi tiếp xúc với cử tri ở quận Tân Bình, ông có nói là nếu trúng cử thì sẽ đeo bám đến cùng những vấn đề mà cử tri bức xúc?

+ Tôi ý thức rằng đại biểu là do cử tri bầu ra, là người đại diện cho cử tri. Do vậy, lẽ đương nhiên là đại biểu phải nói lên tiếng nói của cử tri, nhất là những vấn đề mà cử tri bức xúc, đó là trách nhiệm và sứ mệnh của đại biểu. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc ghi nhận, phản ánh, đề xuất thôi thì chưa đủ mà phải đeo bám đến cùng những vấn đề cử tri bức xúc, phải sử dụng đúng mực và nhuần nhuyễn thẩm quyền, luật định của đại biểu để đi đến cùng sự việc và trên cơ sở đó mới có kết quả báo cáo lại cho cử tri. Tôi cho rằng đại biểu phải chuyển cho cử tri chương trình hành động và những lời hứa của mình để cử tri giám sát.

. Xin cám ơn ông.

MẠNH LÊ thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới