30 giờ 'nghẹt thở' treo cờ Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris

30 giờ 'nghẹt thở' treo cờ Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris

(PLO)- Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, được vợ ông Bernard Bachelard may bằng tay, trong bí mật. 

Chiều 18-11, tại Trung tâm báo chí TP.HCM, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard (Thụy Sĩ) - người treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, năm 1969 – đã có buổi gặp mặt và chia sẻ câu chuyện của mình với báo chí.

nha-tho-duc-ba-paris-8.jpg
Ông Olivier Parriaux (thứ hai từ phải sang) và ông Bernard Bachelard (thứ ba từ phải sang) giao lưu với báo chí. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Khi đó, Bernard Bachelard mới 26 tuổi, là giáo viên thể dục, Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý. Họ là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó tại Việt Nam.

Ủng hộ cuộc chiến đấu của người Việt Nam

Tại buổi gặp mặt, ông Olivier Parriaux đã chia sẻ với các phóng viên về động cơ thực hiện việc treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris.

nha-tho-duc-ba-paris-3.jpg
Ông Olivier Parriaux mô tả lại quá trình treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông, lúc bấy giờ tại Paris đang diễn ra phiên họp trù bị của Hội nghị Paris (Hội nghị bốn bên, bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hoà).

Các ông đã theo dõi các cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở một số nước, trong đó có Pháp với hàng triệu người tham gia.

Lúc này hội nghị Paris được các ông xem là giai đoạn cao trào của cuộc đấu tranh tại Việt Nam. “Lương tâm chính trị của chúng tôi được hình thành từ đó” – ông nói và khẳng định hành động của mình là vì ủng hộ cuộc chiến đấu của người Việt Nam.

nha-tho-duc-ba-paris-4.jpg
Ông Olivier Parriaux cho biết bản thân cùng đồng đội chỉ có lòng can đảm mà không mảy may suy nghĩ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Kể lại ký ức năm đó, ông Olivier Parriaux cho biết “địa hình” của Nhà thờ Đức Bà ở Paris có nhiều khó khăn, ông đã nghiên cứu chiến lược để có thể trèo lên chóp tháp của nhà thờ, tức vị trí treo cờ (khác với đỉnh nhà thờ). "Phi vụ" này được các ông thực hiện trong khoảng 30 giờ đồng hồ.

Theo ông Olivier, vào khoảng 6 giờ sáng ngày 18-1-1969, ông cùng “đồng đội” đi từ Lausane (Thụy Sĩ) và theo đoàn khách du lịch để lên nơi cao nhất của nhà thờ. Sau khi khách du lịch rời hết, các ông đã băng qua một hàng rào, quấn quanh lá cờ trên người và nhảy qua khoảng không giữa hai mái nhà, leo các bậc thang bằng thanh sắt thêm một đoạn cao khoảng 100 m để đến vị trí treo cờ - nơi cao nhất của nhà thờ Đức Bà Paris.

“Quá trình di chuyển rất khó khăn, khi gần đến nơi, tôi ngừng lại và Bernard Bachelard leo tiếp, gắn được chiếc móc đầu tiên của lá cờ” – ông Olivier Parriaux kể và cho biết sau một động tác kéo, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris. “Điều đó có nghĩa là thắng lợi” - ông Olivier Parriaux vui mừng kể lại.

Đáng chú ý, trên đường xuống, các ông đã dùng một lưỡi cưa nhỏ để cưa những thanh sắt nhằm ngăn chặn lực lượng cảnh sát leo lên tháo lá cờ khi bị họ phát hiện.

nha-tho-duc-ba-paris-6.jpg
Ông Bernard Bachelard (đầu tiên từ trái sang) chia sẻ về lá cờ do vợ mình may. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trên đường về Thụy Sĩ, các ông đã tạt qua trụ sở nhật báo Le monde để gửi thông cáo báo chí. Khi ngang qua một quảng trường, các ông bị cảnh sát Pháp chặn lại nhưng may mắn được cho qua khi cảnh sát thấy chiếc xe biển số Thụy Sĩ.

Theo lời kể của ông Olivier, khoảng 4 giờ sáng ngày 19-1-1969, cảnh sát đã thấy lá cờ nhưng để leo lên lấy thì phát hiện không còn các thanh sắt. Đến 15 giờ cùng ngày, máy bay trực thăng được điều đến để lấy lá cờ. Dù vậy, lúc này, việc làm của các ông đã được báo chí nhiều nước nói đến.

“Chúng tôi tin rằng sự kiện này góp phần vào thắng lợi bước đầu của Hội nghị Paris” – ông chia sẻ.

Nói về chiếc lá cờ định mệnh, ông Bernard Bachelard cho biết vợ ông đã may lá cờ bằng tay trong bí mật.

Lá cờ có diện tích 17 m2, được may bằng tơ để vận chuyển dễ dàng và được “thiết kế” để với một lần giật dây, lá cờ sẽ tung bay phấp phới.

Chỉ có lòng can đảm

Chia sẻ với phóng viên về cảm xúc trong thời khắc lịch sử, ông Olivier Parriaux cho biết ông cùng “đồng đội” không mảy may suy nghĩ hay tập luyện gì, chỉ có lòng can đảm về tinh thần và thể chất.

“Lúc bị cảnh sát chặn lại trên đường, chúng tôi nghĩ mình sẽ bị bắt, nếu bị bắt, chúng tôi sẽ đi tù. Tôi với Noé Graff không thành vấn đề nhưng Bernard Bachelard có thể bị ảnh hưởng do ông làm việc trong cơ quan nhà nước” – ông Olivier nói.

Ông tiếp, có những những nguy hiểm nhưng không làm cho chúng tôi lùi bước vì chúng tôi nghĩ đến cuộc chiến tranh của các bạn Việt Nam, với lương tâm chính trị của mình.

nha-tho-duc-ba-paris-2.jpg
Sau 55 năm, hai người hùng mới có dịp đến Việt Nam để chia sẻ câu chuyện lịch sử này. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông bảo cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam là cuộc chiến đấu đoàn kết, có tính chất xã hội và kết quả đã giành được chiến thắng.

Ông xúc động chia sẻ trong những ngày qua, đã được người dân ở TP.HCM đón tiếp rất nồng nhiệt và ông sẽ kể lại những câu chuyện này cho bạn bè ở quê hương.

nha-tho-duc-ba-paris-7.jpg
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi tặng sách cho các vị khách quý. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Như vậy, 55 năm đã trôi qua, ở thời điểm đó, các ông đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Và bây giờ, các ông đang đấu tranh cho một “cuộc chiến” khác, đó là chống lại các tập đoàn sản xuất chất độc da cam - hậu quả nặng nề mà người dân Việt Nam đang vẫn phải gánh chịu.

Run run xúc động

Sáng đó, hay tin một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris, tôi cầm máy ảnh nhỏ bằng hai tay nhưng vẫn run run vì xúc động, không ngờ lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được treo ở vị trí cao lộng gió như vậy.

nha-tho-duc-ba-paris-1.jpg

Chúng tôi đánh giá hành động của hai ông rất cao cả, anh hùng. Dù không ai biết ai treo lá cờ đó nhưng đã tạo dấu ấn, như một lời hiệu triệu cho cả thế giới chống đế quốc xâm lược…

GS TRÌNH QUANG PHÚ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (*)

(*) Chia sẻ cảm xúc khi trực tiếp chứng kiến lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris. Lúc bấy giờ, ông là phóng viên phái đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Paris.

Đọc thêm