Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 ký biên bản ghi nhớ tổng thống sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và các nước trong nhóm P5+1 (cùng với Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc (TQ)) đã ký với Iran năm 2015. Phát biểu từ Nhà Trắng được truyền hình trực tiếp, ông Trump cho biết sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt Iran, hủy bỏ “một thỏa thuận tồi tệ chỉ có lợi cho một bên mà lý ra không bao giờ nên có”.
Theo thỏa thuận, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân, hạn chế quy mô tích trữ uranium làm giàu - có thể dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân nhưng cũng có thể sản xuất vũ khí hạt nhân - trong 15 năm. Đổi lại Iran sẽ được dỡ bỏ trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ. Mục tiêu của thỏa thuận là ngăn chặn Iran phát triển và sở hữu bom hạt nhân. Ông Trump trước giờ luôn phản đối thỏa thuận không đủ sức kiềm chế Iran khi không bao gồm chương trình tên lửa nước này.
Một công đôi lợi
Theo quy định, cứ bốn tháng một lần, ông Trump phải xác nhận Iran có tuân thủ đúng thỏa thuận và quyết định có khôi phục lệnh hoãn trừng phạt Iran hay không. Nếu có, đồng nghĩa Mỹ tiếp tục duy trì thỏa thuận. Nếu không, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran tự động được khôi phục và Mỹ sau 180 ngày kể từ ngày khôi phục trừng phạt được xem như rút khỏi thỏa thuận.
Trong 180 ngày này, châu Âu sẽ cố gắng thống nhất một “thỏa thuận bên lề” với Mỹ nhằm thuyết phục ông Trump ở lại với thỏa thuận hạt nhân. Tuyên bố ngày 8-5, ông Trump vẫn để mở khả năng tiếp tục thương lượng. Tuy nhiên, dù “thỏa thuận bên lề” có thành hình đi nữa thì chưa chắc Iran hay hai nước Nga, TQ đã đồng ý.
Bước đầu đã có Israel và Saudi Arabia - hai đồng minh của Mỹ nhưng là đối thủ Iran ở Trung Đông - nói “ủng hộ hoàn toàn” và “hoan nghênh” quyết định của ông Trump. Trong khi đó số ý kiến phản đối nhiều áp đảo. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người ký thỏa thuận hạt nhân Iran ba năm trước, cho rằng bước đi của ông Trump là sai lầm nghiêm trọng. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres “cực kỳ lo ngại”, kêu gọi các nước còn lại trong thỏa thuận tôn trọng cam kết. Bộ Ngoại giao Nga cho biết “thất vọng sâu sắc”, rằng đây là “một xác nhận nữa về sự kém cỏi của Mỹ”, chỉ trích Mỹ là bên vi phạm thỏa thuận.
Anh, Đức, Pháp - ba thành viên trong nhóm P5+1 - đều tuyên bố “lấy làm tiếc và lo ngại”. Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho biết EU “xác định bảo vệ thỏa thuận”. Có thể nói bước đi của ông Trump gây thất vọng lớn cho các nước P5+1, đặc biệt các đồng minh châu Âu. Hai tuần trước khi ông Trump đi đến quyết định này, hết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Thủ tướng Đức Angela Merkel lần lượt sang Mỹ thuyết phục ông Trump ở lại với thỏa thuận nhưng đã không thành công.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 8-5, bước đi của ông Trump không chỉ nhằm vào Iran mà còn nhắm đến cuộc gặp sắp tới này, bàn về giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Qua bước đi này ông Trump muốn chuyển đến Triều Tiên thông điệp rằng cái ông muốn có trong cuộc thương lượng sắp tới là một thỏa thuận “thực chất”, Mỹ sẽ không chấp nhận thỏa thuận “không tương xứng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và biên bản tổng thống rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tại Nhà Trắng ngày 8-5. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump không tôn trọng cam kết khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: GETTY IMAGES
Liệu có “dằn mặt” được Triều Tiên?
Ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh cuộc thương lượng với Triều Tiên đang đến rất gần. Trong lúc ông Trump công bố quyết định, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần thứ hai lên đường sang Triều Tiên sắp xếp cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Dù như ông Bolton nói trên, nhiều nhà phân tích vẫn lo ngại bước đi này sẽ hủy hoại uy tín Mỹ trong các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới, mà cụ thể trong trường hợp Triều Tiên là sẽ khiến ông Kim chần chừ trong thương lượng. Theo chuyên gia Robert Einhorn tại Viện Brookings, vốn là cố vấn kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Obama, quyết định của ông Trump sẽ khiến ông Kim e dè, không tin tưởng vào thỏa thuận với Mỹ. Khả năng ông Kim sẽ bớt hăng hái trong thương lượng cũng như giữ lại các nhượng bộ quan trọng với Mỹ.
Một rủi ro khác, bước đi một mũi tên nhắm hai đích của ông Trump có thể có tác dụng ngược. Từ bước đi của Mỹ với Iran, Triều Tiên có thể cảm nhận được sự nóng lòng của ông Trump muốn đạt thỏa thuận hạt nhân với mình. Điều này là bất lợi lớn với Mỹ và có thể dẫn tới một thỏa thuận yếu ớt, không khác thỏa thuận mà người tiền nhiệm Obama đã ký với Iran và ông vừa quyết định sẽ rút khỏi. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi không như Iran còn đang trong quá trình phát triển, Triều Tiên hiện đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Iran sẽ không để Mỹ yên ở Trung Đông
Tại Iran, chỉ vài phút sau khi ông Trump công bố quyết định, Tổng thống Hassan Rouhani lên tiếng chỉ trích ông Trump không tôn trọng cam kết. Theo ông Rouhani, trước mắt Iran sẽ ở lại với thỏa thuận dù không có Mỹ, tuy nhiên nếu Iran và các nước còn lại không thống nhất được hướng đi sắp tới của thỏa thuận thì Iran sẽ khôi phục làm giàu uranium ở mức cao.
Ông Rouhani cho biết đã yêu cầu các quan chức ngoại giao Iran đối thoại với các nước P5+1 “trong vài tuần” về hướng thực thi thỏa thuận sắp tới khi không còn Mỹ. Việc ông Rouhani giới hạn thời gian đối thoại cho thấy Iran nghiêm túc với khả năng khôi phục hạt nhân. Nhiều quan chức Iran từng nói một khi thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ sẽ rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Điều gì sẽ đến sau quyết định của ông Trump? Theo CNN, với bước đi này ông Trump và Mỹ có nguy cơ sẽ bị cô lập hơn trên trường quốc tế, sau khi khiến các đồng minh tức giận việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu và thỏa thuận thương mại tự do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chưa hết, Mỹ có thể sẽ phải đối đầu với “một quốc gia hạt nhân Iran” hoặc “một cuộc chiến khác ở Trung Đông”.
Ngay sau khi nghe thông tin này từ Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lo ngại sẽ có thêm khủng hoảng mới ở Trung Đông dù cho Iran không khôi phục chương trình hạt nhân đi nữa. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình Trung Đông có rủi ro sẽ hứng thêm xung đột khi Iran ra tay trả đũa quyền lợi Mỹ và đồng minh ở khu vực này.
Cụ thể, tại Iraq, Iran có thể chỉ đạo lực lượng tay súng người Shiite mà Iran đào tạo và vũ trang ở Iraq vốn để đánh IS chống phá Mỹ ở chiến trường này. Tại Syria, Iran và nhóm dân quân thân người Shiite và cả nhóm vũ trang Hezbollah mình bảo trợ có thể sẽ tăng áp lực buộc Mỹ rút khỏi Syria, không ngăn cản các lực lượng này tấn công Israel. Tại Lebanon, Iran có thể tăng áp lực để Hezbollah cô lập Thủ tướng Saad al-Hariri được Mỹ và phương Tây ủng hộ. Tại Yemen, Iran có thể tăng ủng hộ nhóm phiến quân Houthi, buộc Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh phải có phản ứng, theo Reuters.
Thấp thỏm chờ kết quả “thỏa thuận bên lề” Sau 180 ngày, nếu không ký được “thỏa thuận bên lề” với châu Âu, Mỹ sẽ khôi phục trừng phạt các lĩnh vực xuất khẩu dầu, giao dịch kim loại quý của Iran, cấm xuất khẩu máy bay và linh kiện máy bay sang Iran, cấm chính phủ Iran mua tiền đô Mỹ. Các công ty châu Âu làm ăn với Iran sẽ phải chấm dứt giao dịch trong vòng sáu tháng nếu không muốn bị Mỹ trừng phạt. Mỹ cảnh báo bất kỳ nước nào giúp Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ bị Mỹ trừng phạt nặng. TQ - thành viên nhóm P5+1 - luôn nói muốn thỏa thuận được duy trì, tuy nhiên theo CNN, quyết định của ông Trump chưa hẳn là tin buồn với TQ khi nước này đầu tư rất nhiều vào ngành năng lượng Iran. Các công ty TQ sẽ có cơ hội lớn một khi các công ty châu Âu rời khỏi Iran để tránh bị Mỹ trừng phạt. |