Phải chặn ngay nạn tận diệt tôm bằng thuốc trừ sâu

(PLO)- Các lực lượng chức năng cần bắt đầu bằng việc bám sát, khoanh vùng các đối tượng để tuyên truyền, nhắc nhở các quy định về nghiêm cấm sử dụng thuốc trừ sâu để bắt tôm và cảnh báo họ sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Loạt phóng sự điều tra vấn nạn đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm do báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải khiến dư luận lo ngại và câu hỏi hiện nay là làm thế nào để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt triệt để hành vi hủy diệt tôm bằng thuốc mà một bộ phận người dân vì hám lợi trước mắt nên vẫn lén lút thực hiện.

Phải chặn ngay nạn tận diệt tôm bằng thuốc trừ sâu
Người đánh bắt thủy sản chân chính trên sông Đồng Nai căm phẫn với những kẻ khai thác thủy sản kiểu tận diệt. Ảnh: MINH HẬU

Hành tung và hoạt động của các chủ phương tiện bắt tôm bằng thuốc trừ sâu rất tinh vi nhưng chẳng lẽ chúng ta chấp nhận “sống chung” với hành vi đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt này.

Nguy hiểm hơn, hành vi đó còn đầu độc, hủy hoại nghiêm trọng nguồn nước sông Đồng Nai đang phục vụ sinh hoạt hằng ngày của hàng chục triệu người trong khu vực, tiềm ẩn hiểm họa lâu dài liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.

Đó là chưa nói đến việc sinh kế của những người mưu sinh nơi sông nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn lợi thủy sản dần suy kiệt. Hậu quả nhãn tiền đã quá rõ, hệ lụy lâu dài cũng đã phát lộ, phần còn lại của câu chuyện thời sự là giải pháp nào để xoay chuyển thực trạng nhức nhối này.

Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ nguồn nước hiện hành quy định cần phải chứng minh được mức độ thiệt hại thì mới có căn cứ, cơ sở kết luận, xử lý hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông, nếu bắt được quả tang cũng rất khó áp dụng các chế tài hình sự để răn đe nên nhiều năm nay cơ quan tố tụng chưa xử lý được vụ nào. Mặc dù lãnh đạo các tỉnh, TP lưu vực sông Đồng Nai rất chú ý, chính quyền, cơ quan chủ quản có phối hợp kiểm tra, kiểm soát.

Trong khi chờ khắc phục, bổ sung pháp luật thì rất cần sự đồng hành, sát cánh giữa các cấp lãnh đạo địa phương, các đơn vị liên quan để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ “điểm nghẽn” lâu nay mà một số cá nhân hay đơn vị chưa đủ khả năng thực hiện triệt để.

Trước thực tế nan giải này, đề nghị chính quyền các địa phương Đồng Nai, Bình Dương thực sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ, nhịp nhàng, quyết liệt, nói không với nạn bắt tôm bằng thuốc.

Các lực lượng chức năng cần bắt đầu từ nỗ lực bám sát, khoanh vùng các đối tượng để tuyên truyền, nhắc nhở, vận động chấp hành các quy định về nghiêm cấm sử dụng thuốc để bắt tôm. Đồng thời, răn đe người trong cuộc phải dừng ngay việc bắt tôm bằng thuốc trừ sâu bằng thông điệp sẽ xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.

Sự thật là khâu này không khó, bởi hành vi bắt tôm bằng thuốc diễn ra cả ngày lẫn đêm, người dân cùng nhóm PV dễ dàng phát hiện, ghi hình lại được nên vấn đề còn lại là các ngành chức năng có thực thi hết trách nhiệm hay không.

Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp, việc truyền thông thông qua mạng xã hội phổ biến như Zalo, Facebook… cũng rất cần thiết để anh em bạn thuyền cũng như người thân dễ dàng tiếp nhận thông tin và thuận lợi trong quá trình theo dõi, phản ánh, trình báo, tố giác, đấu tranh khi phát hiện các trường hợp nghi vấn đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm.

Đó là những biện pháp, hành động cụ thể, thiết thực cần tiến hành triển khai ngay và thường xuyên. Không còn sớm nhưng chưa có gì là quá muộn để loại bỏ vấn nạn này từ gốc rễ, mang lại hiệu quả thực chất.

Việc bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng đang được đặc biệt chú trọng nên để tồn tại vấn nạn trầm kha hàng chục năm nay là không thể chấp nhận được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm