Tại buổi giám sát, nhiều vấn đề được HBSO đề cập nhưng nổi bật là sự phát triển của HBSO trong những năm gần đây thể hiện qua việc nhiều chương trình của nhà hát “cháy” vé; nhiều vở nhạc kịch, vũ kịch… được dàn dựng công phu. Tuy nhiên, điều day dứt nhất chính là khi nào nghệ sĩ của HBSO mới có một nhà hát thật sự để tập luyện, biểu diễn. Thực tế hiện nay HBSO có ba cơ sở: Văn phòng làm việc ở tầng hầm Nhà hát TP.HCM; khu vực tập luyện của đoàn giao hưởng, nhạc kịch tại rạp Thanh Vân được cải tạo nhờ nguồn vốn xã hội hóa; khu vực tập của đoàn vũ kịch đang thuê nhưng đến tháng 9 này thì hết hạn.
Trong khi dự án xây dựng nhà hát của HBSO đã được UBND TP.HCM lên kế hoạch từ 18 năm nay nhưng đến giờ vẫn còn trên giấy.
Kết luận tại buổi họp, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, khẳng định: “Phải xây nhà hát, xây dựng trụ sở mới để tất cả về một chỗ. Tuy nhiên, xây nhà hát nhanh nhất cũng phải ba, bốn năm nữa nên trước mắt giao Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tìm địa điểm tập múa mới cho đoàn múa, song song đó Sở TN&MT TP.HCM nhanh chóng hoàn tất thủ tục bàn giao giấy đỏ khu đất hơn 10 ha ở Thủ Thiêm để nhà hát tính phương án xây dựng”.