Phải nghiêm khắc từ đầu với xây dựng trái phép

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Phong cho rằng nhiệm vụ trong những tháng cuối năm hết sức nặng nề. Do đó, chủ tịch UBND TP yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện phải quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, phải tăng cường thực hiện quyết liệt lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn theo Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch của UBND TP. Riêng Sở Xây dựng cùng các địa phương phải có giải pháp xử lý nghiêm khắc ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng, phối hợp với Sở Nội vụ chuyển thanh tra xây dựng về địa bàn các quận, huyện.

Liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao, ông Nguyễn Thành Phong một lần nữa khẳng định UBND TP đã có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ. Như ở dự án Khu công nghệ cao ở quận 9, bản thân ông đã có ba buổi tiếp xúc với người dân, thông báo chính sách và ghi nhận ý kiến người dân. “Với các hộ dân đồng tình chính sách của UBND TP thì sẽ thực hiện ngay việc bố trí nền tái định cư cho các hộ dân trước ngày 30-11-2019. Còn với các hộ dân chưa đồng tình, TP tiếp tục lắng nghe, phân tích và giải quyết” - ông Phong nói.

Liên quan đến đầu tư công, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công. Sở KH&ĐT phải rà soát lại các dự án khởi công, dự án sẽ hoàn thành trước đại hội Đảng bộ TP.HCM sắp tới và dự án chuẩn bị khởi công sau đại hội.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các chương trình đột phá.

Ứng 5.000 tỉ cho metro số 1 nhưng chưa được hoàn lại

Đó là thông tin được ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ra tại hội nghị. Theo ông Hoan, đến nay TP.HCM đã tạm ứng ba lần cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với tổng số tiền khoảng 5.000 tỉ đồng và số tiền này chưa được trung ương hoàn về vì chưa có dự án điều chỉnh.

Ông Hoan cho biết việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, đến thời điểm này UBND TP đã thông qua nhưng vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện các bước về pháp lý, lấy ý kiến các đơn vị liên quan, dự kiến đến cuối tháng 9-2019 sẽ xong. Khi đó TP.HCM mới có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn của trung ương, tăng bố trí vốn để hoàn thiện dự án.

Từ đó ông đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tiếp tục đeo bám các bộ, ngành trung ương để xúc tiến các bước thủ tục, góp phần tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm