So với cách một thì cách hai có ưu điểm là người dân muốn đổ rác lúc nào cũng được.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không làm theo cách nào cả. Như trong khu tập thể Thành Công, Ba Đình nơi tôi ở, nhiều người đã vứt túi rác ra ngoài hành lang nhà tập thể, nơi đường đi lối lại, miễn sao nhà mình sạch là được rồi. Nhà tôi ở tầng bốn, mỗi khi có khách đến chơi, tôi cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy khách phải cố tránh những túi rác như thế. Buồn sao, toàn cán bộ, trí thức ở khu tập thể này! Mấy lần muốn góp ý nhưng tôi đã thôi vì sợ họ vẫn cứ tiếp tục hành xử theo thói quen và không còn muốn nhìn tôi nữa.
Trong việc phân loại rác tại nguồn cũng có chuyện cần bàn. Mỗi hộ dân ở khu tập thể được phát hai loại thùng rác đặt tại nhà. Một thùng màu xanh để rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy như vỏ hoa quả, đồ ăn thừa... Một thùng màu cam để rác vô cơ như giấy lộn, nylon, mảnh nhựa, mảnh sành sứ... Các điểm đổ rác công cộng cũng đặt những thùng lớn với các màu xanh và màu cam như thế để người dân đổ theo từng loại rác.
Nhưng trên thực tế, phần lớn người dân đều gom tất cả các loại rác vào một thùng rồi mang ra ngoài đổ ở bất kỳ thùng nào. Vậy là rác hữu cơ, rác vô cơ lẫn lộn. Sâu xa hơn, chương trình phân loại rác tại nguồn, với sự đầu tư rất lớn và khá bài bản của chính quyền đã bị thất bại chỉ vì người dân không có ý thức thực hiện.
HOÀNG ANH (Khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội)