1 ông 4 bà, chia đất, chia nhà nhiều rắc rối

Tháng 7-2020, TAND tỉnh An Giang mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Nguyễn Quốc Hùng và bị đơn là bà Nguyễn Thị Hà. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng cần phải xác minh, thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ nên quyết định tạm ngừng phiên tòa. Đến nay phiên xử vẫn chưa được mở lại.

Trước đó, vụ án này từng được TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm nhưng sau đó bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy.

Một ông có tới bốn bà

Theo đơn phản ánh của ông Nguyễn Quốc Hùng, cha mẹ ông là ông Nguyễn Thành Nhung và bà Nguyễn Thị Mùi. Sau khi cha mẹ ông ly thân, từ năm 1975 đến 1996, cha của ông sống với bà NTT nhưng không có con chung, bà T. có bốn con riêng.

Giai đoạn sống chung, ông Nhung và bà T. đã tạo được hai khối tài sản chính là một căn nhà và một mảnh đất hơn 4.400 m2 tại TP Long Xuyên, An Giang.

Ngoài ra, ông Nhung còn chung sống với bà N., có một con chung và sống với bà Đ., có ba con chung.

Theo ông Hùng, năm 1996, ông Nhung lập di chúc để lại căn nhà trên cho ông Hùng. Đến năm 2002, ông Nhung bị bệnh phải điều trị tại bệnh viện ở TP.HCM, lúc này bà H. (con riêng của bà T.) đã lấy giấy chứng nhận sang tên mảnh đất 4.400 m2 cho bà H. Mâu thuẫn xảy ra từ đó.

Năm 2003, ông Nhung tiếp tục lập di chúc cho ông Hùng một nửa mảnh đất và một kỷ phần thừa kế của bà T. mà ông được hưởng. Đồng thời, ông Nhung kiện bà H. tại TAND TP Long Xuyên về việc bà H. chiếm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái phép.

Tháng 9-2003, ông Nhung mất, tòa xác định ông Hùng là người kế thừa tố tụng. Ông Hùng yêu cầu được chia thừa kế của ông Nhung theo di chúc, theo pháp luật và được nhận bằng hiện vật là căn nhà. Đối với mảnh đất, ông Hùng yêu cầu được nhận hiện vật là 1/2 diện tích và một kỷ phần thừa kế của ông Nhung được hưởng từ bà T.

Do vụ án có yếu tố nước ngoài nên năm 2004, TAND TP Long Xuyên chuyển vụ án lên TAND tỉnh An Giang.

Sơ thẩm: Không công nhận vợ chồng

Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2013, TAND tỉnh An Giang chấp nhận một phần yêu cầu của ông Hùng, một phần yêu cầu phản tố của bà H.

HĐXX sơ thẩm công nhận di sản của ông Nhung là một nửa căn nhà (căn nhà là tài sản chung của ông Nhung, bà T.). Ông Hùng được hưởng theo di chúc của ông Nhung có hiệu lực một nửa, bà H. phải giao căn nhà lại cho ông Hùng.

Tòa sơ thẩm công nhận di sản của bà T. gồm nửa căn nhà, còn mảnh đất hơn 4.400 m2 là tài sản riêng của bà T. nên chia cho bốn người con của bà T. HĐXX sơ thẩm cho rằng quan hệ giữa ông Nhung và bà T. không phải là quan hệ vợ chồng nên ông Nhung không được hưởng thừa kế của bà T. để lại... Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên một số vấn đề khác.

Sau đó, ông Hùng kháng cáo toàn bộ bản án. Bà H. cũng kháng cáo yêu cầu được nhận căn nhà và hoàn trả lại giá trị bằng tiền cho ông Hùng.

Phúc thẩm: Hủy án để giải quyết lại

Tháng 10-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) xử phúc thẩm vụ án.

Theo HĐXX phúc thẩm, bản án sơ thẩm căn cứ vào Thông tư số 60/TATC ngày 22-2-1987 của TAND Tối cao để xác định quan hệ giữa ông Nhung và bà T. không phải là quan hệ vợ chồng, từ đó không cho ông Nhung được hưởng thừa kế của bà T. là thiếu cập nhật văn bản và không đúng pháp luật.

Bởi lẽ, theo các tài liệu có trong hồ sơ và theo sự thừa nhận của tất cả đương sự thì ông Nhung về An Giang vào năm 1965 và chính thức chung sống với bà T. từ năm 1975 cho đến khi bà T. mất (năm 1996). Như vậy, theo quy định tại điểm A mục 4 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì quan hệ giữa ông Nhung và bà T. được xem là quan hệ vợ chồng và được hưởng thừa kế di sản của nhau.

Năm 1996, bà T. mất, không để lại di chúc. Do đó, ông Nhung là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được thừa kế di sản do bà T. để lại theo pháp luật.

Cạnh đó, về mảnh đất hơn 4.400 m2 có được là do đổi gỗ sau khi ông Nhung và bà T. sống với nhau được sáu năm nên đây là tài sản chung vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Cấp sơ thẩm không xác minh nguồn gốc số gỗ ở đâu mà có, mà chỉ căn cứ vào việc đứng tên trong giấy để xác định mảnh đất trên là tài sản riêng của bà T. là thiếu chính xác.

Cùng với nhiều lập luận khác (xin xem box), HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho TAND tỉnh An Giang để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Xác định sai quan hệ, bỏ sót người hưởng thừa kế

HĐXX phúc thẩm cũng cho rằng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bà Mùi để xác định bà Mùi là vợ hợp pháp của ông Nhung mà không xác minh, làm rõ bà Mùi chung sống với ông Nhung thời gian bao lâu, có đăng ký kết hôn hay không hay chỉ là quan hệ với nhau và có một con chung mà thôi.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nghị quyết 35/2000/QH10 và Thông tư liên tịch số 01/2001 thì đến thời điểm này pháp luật chỉ công nhận hôn nhân thực tế khi hai bên chung sống với nhau trước ngày 3-1-1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực) nhưng không đăng ký kết hôn và đến thời điểm phát sinh tranh chấp hoặc mở thừa kế vẫn đang còn thực sự chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Còn những trường hợp không đăng ký kết hôn, đã từ lâu không còn chung sống với nhau, không có bất kỳ mối quan hệ nào khác như vợ chồng thì không thể gọi là quan hệ vợ chồng.

Do cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ, dẫn đến bỏ sót người được hưởng di sản thừa kế, không chia nên nếu cấp phúc thẩm chia thì có nghĩa là chia lần đầu, sẽ làm mất quyền kháng cáo của các đương sự khi họ không đồng ý...

Từ đó, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để cấp sơ thẩm giải quyết lại như đã nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm