Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định hủy hai quyết định sơ và phúc thẩm liên quan đến vụ đòi di sản tại TP.HCM.
Năm 2008, bà PTD khởi kiện ông PVQ đòi nhà cho ở nhờ. Theo bà D., ngôi nhà này là tài sản cha mẹ bà cho cha mẹ ông Q. ở nhờ từ năm 1959. Ông Q. không đồng ý trả nhà vì cho rằng cha mẹ đã mua lại ngôi nhà này của cha mẹ bà D.
Theo quyết định của hội đồng thẩm phán, nên vận dụng Án lệ số 06 giải quyết. Ảnh: minh họa
Tháng 5-2016, TAND TP.HCM đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của một trong những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà LN.
Bà D. kháng cáo quyết định này. Tháng 9-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã giữ nguyên quyết định của TAND TP.HCM. Bà D. tiếp tục có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Sau đó, chánh án TAND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm.
Trên cơ sơ kháng nghị này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai quyết định sơ và phúc thẩm giao xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Theo hội đồng thẩm phán, nguyên đơn kiện đòi lại nhà cho ở nhờ nhưng chỉ là một người thừa kế chứ không phải chủ nhà. Do vậy, những người có quyền đồng thừa kế với nguyên đơn phải được tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một trong những trường hợp phải đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm g khoản 1 Điều 217, điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS.
Tuy nhiên, bà LN là một đồng thừa kế với nguyên đơn, quyền lợi của bà N. phù hợp với quyền lợi của nguyên đơn, không bị thiệt hại từ khởi kiện của nguyên đơn.
Nếu yêu cầu đòi lại nhà được chấp nhận thì vẫn là di sản chung của những người thừa kế. Nếu có yêu cầu chia thừa kế thì vẫn có thể giao phần của người không rõ địa chỉ cho người có mặt quản lý theo Án lệ số 06 năm 2016. Vì vậy, tòa án cần giải quyết vụ kiện này không cần có sự tham gia tố tụng của bà LN.
Nội dung Án lệ số 06 Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn. Nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật. Phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt. |