Ngày 18-12, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi lại nhà, đất cho ở nhờ giữa nguyên đơn là vợ chồng ông T. và bị đơn là chị em bà B. do có kháng cáo của bà B.
Quang cảnh phiên tòa ngày 18-12.
Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn là chủ sở hữu nhà, đất ở tại một địa chỉ trên đường Võ Văn Tần (quận Ninh Kiều) theo hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2016. Phần nhà và đất này trước đây gia đình nguyên đơn cho cha mẹ bị đơn ở nhờ. Sau khi cha mẹ bị đơn qua đời thì bị đơn tiếp tục ở trên nhà, đất này. Năm 2016, bị đơn lén đi làm các thủ tục công nhận phần nhà, đất này thì nguyên đơn phát hiện, ngăn chặn. Từ đó hai bên phát sinh mâu thuẫn. Nay do có nhu cầu sử dụng nên nguyên đơn yêu cầu chị em bị đơn trả lại nhà, đất trên.
Bà B. thừa nhận gia đình bà ở trên phần đất trên từ năm 1945 đến nay. Nhà của bà là do UBND phường cấp theo chương trình nhà đại đoàn kết. Bà đồng ý giao trả đất cho nguyên đơn, về phần nhà bà cũng đồng ý giao nhưng nguyên đơn phải tìm cho bà và gia đình căn nhà khác để sinh sống.
Em bà B. cũng thừa nhận thời gian ở nhờ như trên và đồng ý giao trả đất. Riêng phần nhà do tự xây cất nên em bà B. yêu cầu hỗ trợ 500 triệu đồng để gia đình tìm chỗ khác sinh sống.
Xử sơ thẩm vào tháng 3-2019, TAND quận Ninh Kiều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông T., buộc chị em bà B. phải trả lại nhà, đất cho nguyên đơn. Nguyên đơn hoàn trả giá trị nhà cho bà B. hơn 80 triệu và hỗ trợ thêm 70 triệu, tổng cộng hơn 150 triệu. Đồng thời nguyên đơn cũng phải hoàn trả giá trị nhà cho em bà B. hơn 44 triệu. Bị đơn được lưu cư trong thời gian sáu tháng kể từ khi án có hiệu lực.
Sau đó, bà B. có đơn kháng cáo, yêu cầu nguyên đơn phải tìm nhà khác cho gia đình bà sinh sống và hỗ trợ cho em bà số tiền 500 triệu.
Tại tòa phúc thẩm, sau khi xem xét đơn kháng cáo của bà B., vị thẩm phán giải thích rằng kháng cáo của bà có hai nội dung thì một nội dung liên quan đến em bà cũng là bị đơn trong vụ án, trong khi người này không tự làm đơn kháng cáo. Bà kháng cáo giùm cho em bà nên phần này tòa không xem xét, chỉ xem xét kháng cáo của bà.
Đối với kháng cáo của bà B., thẩm phán giải thích rằng bà yêu cầu nguyên đơn mua cho bà căn nhà khác thì chẳng khác gì yêu cầu họ bồi thường cho bà cả phần đất. Đất cho ở nhờ, giờ nguyên đơn lấy lại, người ta bồi thường giá trị nhà và hỗ trợ di dời. Nguyên đơn đã cho gia đình bà ở một thời gian dài, người ta cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi…
Sau đó, bà B. đề nghị nguyên đơn hỗ trợ 500 triệu để gia đình bà tìm nơi ở khác. Tòa hỏi bà B. với diện tích căn nhà bà đang ở là 14,5 m2 nếu xây mới thì khoảng bao tiền. Bà B. nói khoảng hơn 200 triệu… Cả ba vị thẩm phán vừa phân tích, vừa thuyết phục đại diện nguyên đơn hỗ trợ thêm cho gia đình bà B. vì hoàn cảnh cũng khó khăn. Đại diện nguyên đơn đồng ý hỗ trợ thêm 50 triệu, tức sẽ hoàn lại giá trị nhà và hỗ trợ cho gia đình bà B. 200 triệu nếu bà giao nhà, đất trong tháng 3-2020.
Bà B. vẫn không chịu, đòi phải 300 triệu mới có thể tìm được chỗ ở mới tương đương. Tòa phải giải thích rằng tòa đã cố thuyết phục nguyên đơn hỗ trợ thêm, nếu bà không chấp nhận thì chỉ có thể nhận mức mà tòa (sơ thẩm) đã tuyên. Tòa lại hỏi đại diện nguyên đơn có thể thêm 20 triệu nữa nếu bị đơn giao nhà trước tết này không. Đại diện nguyên đơn chịu mà bà B. không chịu...
Sau cùng, bà B. chịu nhận 200 triệu và giao nhà, đất trong tháng 3-2020. Từ đó, tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên về việc nguyên đơn hoàn trả giá trị nhà và hỗ trợ cho bà B. 200 triệu nếu bà giao nhà trong tháng 3-2020, sau tháng 3-2020 thì nguyên đơn chỉ giao 150 triệu như án sơ thẩm đã tuyên.