Trước đây bà Trần Thị Mỹ Hương (ngụ thị trấn Thới Lai, TP Cần Thơ) mua một căn nhà tại chợ Thới Lai. Do gia đình người chị ruột của bà là Trần Thị Mỹ Dung không có nhà ở nên bà Hương cho mượn nhà ở tạm. Sau đó chồng bà Dung mượn của ông X. 85 chỉ vàng 24K. Đầu năm 1997, TAND huyện Ô Môn (cũ) tuyên buộc chồng bà Dung phải trả cho ông X. số vàng trên cùng lãi suất.
Tự dưng bị kê biên nhà trái luật
Quá trình thi hành án (THA), chồng bà Dung đã nộp được 28 chỉ vàng nhưng Đội THA huyện Ô Môn (cũ) vẫn kê biên, bán đấu giá căn nhà của bà Hương. Từ đó bà Hương có nhiều đơn tố cáo cơ quan THA. Cuối năm 2006, CQĐT VKSND Tối cao xác minh và ra kết luận số 12, cho rằng tố cáo là đúng. THA bán nhà của bà Hương để thi hành nghĩa vụ của vợ chồng bà Dung là sai.
Theo bà Hương, trước khi có kết luận số 12 thì CQĐT VKSND Tối cao và VKSND TP Cần Thơ có một biên bản làm việc. Tại biên bản này, điều tra viên báo cáo kết quả xác minh điều tra ban đầu. Theo đó không có cơ sở để xác định tài sản (ngôi nhà) gia đình bà Dung đang ở là của vợ chồng bà Dung. Bà Dung đã nộp cho THA 28 chỉ vàng trong số hơn 85 chỉ nên việc kê biên nhà của THA là trái pháp luật.
Biên bản này nêu ý kiến của ông Hồ Thanh Long (lúc đó là viện trưởng VKSND TP Cần Thơ) có nội dung: “Các cơ quan THA, chủ tịch UBND huyện, đặc biệt là VKSND huyện trong việc xác minh tài sản không làm hết trách nhiệm. Việc đội THA quyết định cưỡng chế ngôi nhà mà vợ chồng bà Dung đang ở là không có cơ sở pháp lý, trái luật. Đơn của bà Hương yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là có cơ sở. Sai là phải sửa. CQĐT có kết luận giao cho VKSND TP phối kết hợp giải quyết”.
Vì quan điểm của các cơ quan trái ngược nhau nên nhiều năm qua bà Hương vẫn chưa đòi được nhà. Ảnh: NN
Biên bản cũng nêu kết luận của ông Nguyễn Hồng Diên (lúc đó là cục trưởng Cục Điều tra, VKSND Tối cao): “Nhất trí ý kiến đồng chí Long. CQĐT VKSND Tối cao sẽ báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao theo hướng: Bàn giao hồ sơ vụ việc cho VKSND TP Cần Thơ giải quyết theo tinh thần cuộc họp. Sở Tư pháp chỉ đạo phòng THA ra quyết định hủy quyết định cưỡng chế THA trái pháp luật của Đội THA Ô Môn. Buộc bà Dung phải thi hành đúng bản án. Trả lại tài sản cho bà Hương”. Sau đó CQĐT VKSND Tối cao ra kết luận số 12 nêu trên.
Địa phương nói không làm sai
Ngày 12-11-2009, ông Long có văn bản gửi CQĐT cho biết VKSND TP Cần Thơ đã thực hiện như kết luận 12 nhưng Ban chỉ đạo THA địa phương không đồng tình, cho rằng THA làm đúng. Do vậy, yêu cầu CQĐT VKSND Tối cao làm việc với Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ để chỉ đạo Ban chỉ đạo THA địa phương tiến hành thực hiện nội dung kết luận số 12.
Đầu năm 2015 diễn ra cuộc họp liên ngành gồm các cơ liên quan của quận Ô Môn, TP Cần Thơ (trong đó có VKSND TP và ông Long đã nghỉ hưu) và đại diện Cục Điều tra VKSND Tối cao. tại cuộc họp này, đại diện các cơ quan của TP Cần Thơ đều cho rằng THA đã làm đúng. Trong khi đại diện Cục Điều tra giữ nguyên quan điểm là THA làm sai.
Ngày 14-11 mới đây, PV đã liên hệ xin gặp ông Hồ Thanh Long (cựu Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ) để hỏi rõ về ý kiến của ông trước đây nhưng ông Long trả lời: “Đã nghỉ hưu, không còn tham gia gì nữa”.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Ri (Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ) cho biết vẫn giữ quan điểm là THA đã làm đúng. Nếu CQĐT của VKSND Tối cao cho là sai thì cứ lấy hồ sơ lên để làm. Ông đã ký văn bản mời cơ quan này vào làm việc từ tháng 9 đến nay nhưng chỉ được hứa mà chưa thấy.
Về quan điểm của lãnh đạo Viện trước đây cho rằng THA đã làm sai và sai thì phải sửa, ông Ri cho rằng không nắm rõ nội dung. “Theo hồ sơ tôi nắm được thì phải có hai bên cùng ngồi lại để cung cấp tài liệu. Ví dụ CQĐT nói sai thì sai cái gì, tụi tôi sẽ nói cái gì là đúng, sau đó kết luận lại thì mới được…” - ông Ri nói.