‘Khai tử’ cha đang sống để nhận di sản

Theo hồ sơ, năm 2000, bà NTD (định cư tại Mỹ) gửi về nước số tiền tương đương 50 lượng vàng 24K để nhờ mẹ ruột mua nhà. Sau đó mẹ bà D. mua một căn nhà ở quận 4 rồi để cho chị bà D. (không có chồng con) đứng tên giùm.

Thừa nhận chuyện đưa vàng nhờ mua nhà

Năm 2009, chị bà D. chết có để lại di chúc với nội dung cho em gái của bà và bà D. hưởng thừa kế căn nhà. Khi kê khai di sản thừa kế, em gái bà D. đã khai hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản chỉ gồm mẹ (có hợp đồng ủy quyền cho em gái bà D. đứng tên chủ quyền nhà) và cha đã mất năm 1975, không có giấy chứng tử, chỉ làm cam kết. Trên cơ sở đó, em gái bà D. đã được đứng tên chủ quyền nhà (theo quy định, cha mẹ có phần thừa kế không phụ thuộc vào di chúc - NV).

Ba năm sau, bà D. mới biết chuyện. Vì bị thất lạc bản chính các chứng từ gửi tiền về cho mẹ mua nhà, bà D. đến gặp em gái nói chuyện nhằm ghi hình, ghi âm làm chứng cứ. Sau một hồi nói chuyện, người em thừa nhận bà D. có đưa cho mẹ 50 lượng vàng để mua nhà. Khi nào căn nhà này được giải tỏa, có tiền bồi thường thì bà sẽ trả lại cho bà D. 50 lượng vàng.

Tháng 10-2012, bà D. khởi kiện ra TAND TP.HCM đòi nhà.

Đến tòa làm việc, lúc đầu em gái bà D. thừa nhận hình ảnh, tiếng nói trong clip bà D. nộp cho tòa là của mình. Tuy nhiên, sau khi em gái bà D. ủy quyền cho luật sư KVS (Đoàn Luật sư TP.HCM) tham gia tố tụng thì ông S. phủ nhận hết các lời khai trước đó của bà này, không thừa nhận hình ảnh, tiếng nói của bà này trong clip trên. Theo ông S., căn nhà là tài sản của em gái bà D., các chứng từ gửi tiền, nhận tiền bà D. nộp cho tòa chỉ là bản phôtô không có giá trị chứng minh, đoạn clip bà D. nộp cho tòa cũng không có giá trị pháp lý…

Tòa buộc trả tiền

Mới đây, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, nhận định ông S. phủ nhận lời thừa nhận của bị đơn về hình ảnh, tiếng nói trong clip mà nguyên đơn nộp cho tòa nhưng không yêu cầu giám định. Bị đơn thừa nhận trong đoạn clip là nguyên đơn bỏ tiền mua nhà và để người chị đứng tên giùm. Mặt khác, khi khai di sản thừa kế, bị đơn khai cha mất năm 1975, không có giấy chứng tử, chỉ làm cam kết nhưng thực tế người cha vẫn còn sống, đến năm 2012 mới mất.

Từ đó, HĐXX tuyên hủy văn bản khai nhận di sản, hủy giấy hồng cấp cho bị đơn, hủy luôn hợp đồng mua bán nhà giữa bị đơn với vợ ông S. (khi tòa đang giải quyết vụ kiện, tháng 8-2015, bị đơn đã bán nhà cho vợ ông S. với giá 1,2 tỉ đồng - NV).

HĐXX quyết định cho bị đơn tiếp tục quản lý nhà. Bị đơn và những người thừa kế di sản phải trả nguyên đơn số tiền tương đương 50 lượng vàng (khoảng 1,7 tỉ đồng). Do căn nhà được định giá hơn 3,1 tỉ đồng nên sau khi án có hiệu lực pháp luật, nếu không được trả tiền thì nguyên đơn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại nhà để thi hành án. Số tiền còn lại là di sản của người chị, những người được hưởng thừa kế tự giải quyết với nhau, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

HĐXX cũng bác yêu cầu của vợ ông S. về việc công nhận hợp đồng mua bán, cho phía mình được sở hữu nhà. Theo tòa, bị đơn bán nhà khi vụ án đang được tòa thụ lý, giải quyết là hoàn toàn có lỗi. Hậu quả giao dịch do hai bên mua bán nhà tự giải quyết với nhau, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

Tranh luận về… đạo đức

Tại phiên xử đã phát sinh tranh luận khá thú vị về vấn đề đạo đức.

Phía luật sư của nguyên đơn cho rằng hành vi của bị đơn vi phạm đạo đức khi “cố tình khai tử người cha đang còn sống để chiếm đoạt tài sản”. Còn theo HĐXX, ông S. là luật sư, am hiểu pháp luật, với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, lẽ ra ông phải phân tích cho bị đơn và vợ mình về việc căn nhà đang tranh chấp, tòa đang giải quyết thì không được phép chuyển nhượng...

Đối đáp, ông S. nói bị đơn và ông không vi phạm đạo đức. Bởi khi khởi kiện, nguyên đơn có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm chuyển dịch căn nhà nhưng không được tòa chấp thuận nên bị đơn có quyền bán nhà. Đến tháng 8-2015, bị đơn bán nhà cho vợ ông là hợp pháp, ngay tình, đúng pháp luật. Một tháng sau tòa mới áp dụng biện pháp ngăn chặn nên quyết định ngăn chặn không phù hợp pháp luật.

Về việc bị đơn “khai tử” người cha để hưởng trọn di sản, ông S. lý giải: “Di chúc của người chị để lại là hoàn toàn tự nguyện và ghi rõ “ngoài ra tôi không để cho bất cứ một ai khác”, nghĩa là ý chí của bà là đã không muốn cho cha mẹ rồi thì ở đây không nói đến đạo đức nữa. Nhưng do pháp luật Việt Nam quy định có một phần thừa kế không theo di chúc. Hành vi gian dối đó chỉ xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật”.

“Ở đây là nói tính đúng sai, nói tính pháp lý chứ không kèm đạo đức. Đến tòa là phải nói về lý, nếu nói về tình thì đã không đến tòa. Đã nói đến lý là đúng hoặc sai chứ không lấy đạo đức ra để điều chỉnh” - ông S. nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm