8 thủ tục có thể làm kèm phiếu lý lịch tư pháp

Nếu như trước đây khi người dân phải chờ làm xong phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) rồi mới làm tiếp các thủ tục hành chính còn lại như luật sư, thừa phát lại, công chứng, quản lý thanh lý tài sản… thì nay họ chỉ cần làm một lần được cả hai thủ tục trên. Đó là hiệu quả của quy trình kết hợp các thủ tục hành chính (TTHC) mà Sở Tư pháp TP.HCM mới ban hành.

Quy trình này quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả; trách nhiệm của các phòng chuyên môn có liên quan trong việc thực hiện kết hợp các thủ tục hành chính trong lĩnh vực luật sư, thừa phát lại, công chứng, quản lý thanh lý tài sản có thành phần hồ sơ là phiếu LLTP với thủ tục cấp phiếu LLTP tại Sở Tư pháp TP.HCM.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KIM PHỤNG 

Ví dụ khi đăng ký hành nghề quản lý thanh lý tài sản với tư cách cá nhân có cấp phiếu LLTP. Thủ tục thông thường là người này phải làm thủ tục cấp phiếu LLTP (thời hạn giải quyết 10 ngày làm việc).

Khi họ nhận xong phiếu LLTP thì mới được nộp tiếp hồ sơ làm thủ tục đăng ký hành nghề (bảy ngày làm việc). Nếu người này lựa chọn thực hiện kết hợp cả hai thủ tục trên thì họ chỉ cần nộp hồ sơ một lần là nhận được kết quả cho cả hai đỡ tốn thời gian đi lại.

Nhưng khi lựa chọn thủ tục kết hợp  thì trong hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý thanh lý tài sản có kèm theo tờ khai yêu cầu cấp phiếu LLTP. Khi có kết quả cấp phiếu LLTP thì phiếu này sẽ được chuyển cho nơi cấp giải quyết thủ tục đăng ký.

Nếu như trước đây người dân phải tự nhận phiếu LLTP rồi nộp hồ sơ tiếp thì nay việc này đã có cán bộ Sở Tư pháp lo luôn. Người dân chỉ cần nộp hồ sơ một lần cho cả hai thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp rồi chờ ngày nhận kết quả giải quyết. Điều đặc biệt của TTHC kết hợp này là lệ phí mà người yêu cầu nộp hồ sơ thực hiện TTHC không thay đổi so với làm TTHC thông thường.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: “Hiện nay có hai cách để cá nhân, tổ chức lựa chọn khi làm TTHC ở Sở Tư pháp. Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn cách làm nào có lợi cho mình nhất, ít tốn kém chi phí, thời gian đi lại mà vẫn đạt hiệu quả”.  

Ông Hạnh giải thích thêm khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết TTHC có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng quy trình kết hợp các TTHC. Nếu lựa chọn không áp dụng quy trình kết hợp, việc thực hiện sẽ theo quy định hiện hành đối với từng loại thủ tục.

Ông Hạnh cho biết đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tham gia giải quyết thủ tục kết hợp có trách nhiệm thực hiện và chuyển giao kết quả giải quyết TTHC theo đúng thời gian quy định. Khi thực hiện cần nghiên cứu cải tiến, tổ chức lại quy trình để có thể rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định. Trường hợp thời gian giải quyết TTHC tại từng phòng chuyên môn ngắn hơn quy định thì đơn vị giải quyết có trách nhiệm chuyển giao ngay kết quả giải quyết cho đơn vị có liên quan để trả kết quả sớm cho người dân.

“Cái gì nhanh, gọn, lợi cho dân, tiện cho chính quyền thì làm ngay thôi” - ông Huỳnh Văn Hạnh chia sẻ về tám thủ tục hành chính kết hợp với phiếu LLTP mà Sở Tư pháp đã triển khai. 

8 thủ tục được làm kết hợp với cấp phiếu LLTP số 1, 2 gồm:

1. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề luật sư trường hợp không phải qua tập sự.

2. Thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại.

3. Thủ tục bổ nhiệm Công chứng viên.

4. Thủ tục bổ nhiệm lại Công chứng viên.

5. Thủ tục đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân.

6. Thủ tục đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

7. Thủ tục thay đổi thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

8. Thủ tục thay đổi thông tin đăng ký hành nghề của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.