Các bị cáo khai gì về quỹ đen tại Cục Đường thủy nội địa

Ngày 18-10, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án nhận tiền từ các nhà thầu để lập quỹ đen xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (CĐTNĐ).

Ba bị cáo hầu tòa gồm Phạm Văn Thông (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án CĐTNĐ), Vũ Mạnh Hùng (nguyên quyền trưởng Phòng kế hoạch đầu tư CĐTNĐ) và Trần Đức Hải (nguyên phó cục trưởng CĐTNĐ) bị cáo buộc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt 10-15 năm tù.

Ngồi giữa từ trái sang, bị cáo Trần Đức Hải, Vũ Mạnh Hùng tại tòa. Ảnh: VIẾT LONG

14/16 nhà thầu đưa tổng cộng 4,9 tỉ đồng

Theo hồ sơ, Phạm Văn Thông khai năm 2015, CĐTNĐ làm chủ đầu tư, ký kết hợp đồng với 16 nhà thầu thực hiện các công trình ĐTNĐ. Sau khi ký kết hợp đồng, 16 nhà thầu đã thi công, hoàn thiện các công việc theo hợp đồng.

Cuối năm 2015 đầu năm 2016, CĐTNĐ thực hiện thanh toán, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng toàn bộ các gói thầu theo quy định.  Sau đó, 14 cá nhân đại diện các nhà thầu đến phòng làm việc của ông Thông. Tại đây, nhà thầu nói Trần Đức Hải bảo họ đưa tiền cho ông Thông. Ông Thông gọi điện thoại cho ông Hải thì nhận được câu trả lời: “Chú cứ cầm đi”.

Theo chỉ đạo của ông Hải, từ tháng 12-2015 đến hết tháng 1-2016, ông Thông nhận toàn bộ số tiền gần 4,9 tỉ đồng. Khi nhận tiền, ông Thông yêu cầu các nhà thầu xác nhận hoặc cung cấp thông tin dự án đã làm, số tiền % trích ra (5%-20% của dự án) cho CĐTNĐ và ký vào một cuốn sổ để tiện báo cáo.

Tiền thu được phục vụ công việc chung của Cục?

Số tiền trên được sử dụng để tiếp khách Thanh tra Bộ GTVT hơn 25 triệu đồng, chi tiền khách sạn cho lãnh đạo CĐTNĐ 35 triệu đồng. Đặc biệt chi gần 1 tỉ đồng liên quan đến lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành. Đồng thời, chi cho ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng CĐTNĐ) 5.000 USD. Riêng ông Vũ Mạnh Hùng trao đổi và bảy lần nhận tiền từ ông Thông với số tiền gần 1 tỉ đồng để chi cho việc chung của cơ quan.

Tại tòa, ông Thông khai nhận việc nhận tiền, giữ tiền và tiêu tiền đều có sự thống nhất của lãnh đạo CĐTNĐ. Chủ tọa hỏi: "Cụ thể là ai đã chỉ đạo cho bị cáo?", ông Thông khẳng định: “Khi chi tiền, bị cáo có báo cáo anh Giang (Hoàng Hồng Giang - PV), anh ấy bảo cứ chuyển cho anh Hùng, anh Hùng sẽ có trách nhiệm. Nên mỗi lần anh Hùng lấy tiền bị cáo đều đưa…”.

Chủ tọa hỏi tiếp: “Anh có bằng chứng gì không?”. Ông Thông khai ngoài lần có “bút phê” của cục trưởng thì không có chứng cứ gì về việc chỉ đạo này. Đồng thời cho rằng số tiền trên ông đã chi hết và không tư túi một đồng nào, thậm chí còn âm vào tài khoản cá nhân 200 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Hùng không thừa nhận việc có chỉ đạo và bàn bạc với ông Thông về số tiền trên. Các lần nhận tiền từ ông Thông đều có chỉ đạo của lãnh đạo CĐTNĐ và phục vụ mục đích chung của cơ quan.

Phủ nhận chỉ đạo nhận tiền

Tại phiên xử, cựu phó cục trưởng CĐTNĐ Trần Đức Hải khẳng định trong quá trình điều hành công việc có gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với 14 cá nhân đại diện 16 nhà thầu. Tuy nhiên, ông Hải phủ nhận việc chỉ đạo ông Thông thu tiền, không biết việc thu tiền của ông Thông nên ông chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu vì để xảy ra sai sót trên.

Trả lời câu hỏi có lãnh đạo nào khác yêu cầu ông Thông nhận tiền không, ông Hải đáp: "Cái này bị cáo không biết”.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng bị cáo Hải giữ vai trò là trưởng Tiểu ban Tài chính lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành, trong đó có nhiệm vụ kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhưng bị cáo lại nói không biết số tiền bao nhiêu, nhận từ đâu là vô lý.

“Cục đã phân công nhiệm vụ, vì vậy nếu gặp khó khăn về kêu gọi tài chính thì cấp dưới báo cáo, ở đây tôi không nghe báo cáo và không biết việc làm của cấp dưới” - ông Hải giải thích.

Liên quan đến số tiền khắc phục hậu quả, sau khi Thanh tra Bộ GTVT có kết luận lãnh đạo CĐTNĐ thống nhất và có chủ trương giao cho tổ chức công đoàn phát động ủng hộ, quyên góp khắc phục hậu quả với số tiền gần 4,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, người đại diện quyền công tố tại tòa đặt vấn đề số tiền này quá lớn trong khi lượng nhân viên của Cục chỉ khoảng 70 người thì có đủ để quyên góp không và giải thích như thế nào để họ đồng ý quyên góp. Ông Hùng chỉ nói ngắn gọn việc này công khai, minh bạch.

Trong khi đó, ông Thông cho rằng khi có kết luận trên, cục trưởng CĐTNĐ có gọi điện thoại và bảo phải khắc phục hậu quả. “Tôi nói tiền không có lấy xác nộp à. Tôi có phải tiêu cho cá nhân đâu thì anh Giang bảo đừng lo…" - ông Thông nói.

Hôm nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Bị cáo Thông cho biết sau khi sự việc xảy ra, một số người có đến nhà đề nghị ông viết tâm thư gửi lãnh đạo Bộ GTVT. Trong đó, nói rõ cá nhân bị bệnh trầm cảm nên viết "linh tinh" trong cuốn sổ ghi chép hoặc muốn bôi xấu cán bộ lãnh đạo chứ không có nhà thầu nào nộp tiền cho ông cả... nhưng ông Thông từ chối.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...