Dựa vào công văn liên ngành để… khởi tố

Mới đây, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) đã tạm hoãn phiên tòa xét xử đối với bị cáo Phạm Minh Thức (37 tuổi, ngụ phường 8, quận 8), bị VKSND quận Tân Phú truy tố về tội cướp tài sản. Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi về quan điểm định tội của các cơ quan tố tụng. Bị cáo Thức (bị tạm giam gần tám tháng qua) đã liên tục kêu oan.

Kiện xong vẫn không lấy được tiền

Theo hồ sơ, tháng 5-2009 vợ chồng ông B., chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, ký hợp đồng cho anh Thức thuê phần nhà phía trước để mở cửa hàng kinh doanh điện thoại di động. Đêm 24-11-2009, cửa hàng của anh Thức bị mất 69 cái điện thoại trị giá khoảng 27 triệu đồng. Do chủ nhà và người thuê ở chung quá bất tiện nên sau đó anh Thức gửi thông báo cho biết sẽ trả lại mặt bằng và yêu cầu lấy lại số tiền đã đặt cọc cho chủ nhà. Mặc dù sau đó mặt bằng đã được vợ chồng ông B. lấy lại cho người khác thuê nhưng họ dây dưa không chịu trả lại tiền cọc.

Sau nhiều lần đi lại đòi tiền nhưng bất thành, anh Thức nộp đơn khởi kiện vợ chồng ông B. ra tòa. Tháng 9-2010, TAND quận Tân Phú mở phiên tòa xét xử và tuyên buộc vợ chồng ông B. phải trả lại một lần với số tiền hơn 14 triệu đồng mà anh Thức đã đặt cọc. Bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Phú liên tục có giấy báo yêu cầu vợ chồng ông B. thi hành án, thậm chí cho biết sẽ cưỡng chế nhưng họ vẫn cố tình không trả.

Anh Phạm Minh Thức cùng hai con khi chưa bị bắt. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tội này không ổn, tội kia chứng cứ yếu

Gần bốn năm đi lại, khởi kiện nhưng anh Thức vẫn không lấy được tiền nên anh rất bức xúc. Vì vậy, khi biết cứ đầu tháng ông B. thường đến lấy tiền nhà nên ngày 2-2-2013, anh Thức đến đứng đối diện trước nhà chờ vợ chồng ông B. có mặt sẽ đòi nợ. Khi thấy ông B. xuất hiện, Thức chạy sang đường và yêu cầu trả nợ. Lập tức ông B. nói mình không có tiền và còn thách: “Tao không trả, mày làm gì tao! Lên công an mà lấy!”.

Quá tức giận, Thức dùng tay đánh và vật ngửa ông B. xuống sàn nhà. Theo lời khai của anh Thức thì khi bị đánh đau, ông B. đã tự móc xấp tiền 8,6 triệu đồng trong túi vừa thu tiền nhà đưa cho anh. Còn ông B. thì khai anh Thức thò tay vào túi lấy hết tiền của ông.

Ông B. làm đơn gửi cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú yêu cầu xử lý hình sự anh Thức về tội cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, kết quả giám định thương tật không đủ để khởi tố hình sự anh Thức. Hơn nữa, ông B. cũng có lỗi khi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ lại còn có lời lẽ thách thức nữa. Đây là nguyên nhân trực tiếp xảy ra vụ việc. Ngoài ra, anh Thức không sử dụng hung khí nguy hiểm… Từ đó, cơ quan tố tụng không thể xử lý anh Thức về tội cố ý gây thương tích.

Trong khi đó, qua đối chất, anh Thức vẫn khẳng định do ông B. tự móc túi đưa tiền cho mình còn ông B. thì khai ngược lại, hai lời khai này lại không có ai làm chứng. Tức là chứng cứ để xử lý anh Thức về tội cướp tài sản quá yếu và quá mỏng. Do đó, Công an quận Tân Phú nhiều lần có văn bản trao đổi đường lối xử lý với VKSND cùng cấp nhưng vẫn không thống nhất được.

Dựa vào công văn để… khởi tố tội cướp

Ngày 10-6-2014, ba cơ quan công an, VKSND và TAND quận Tân Phú tổ chức họp liên ngành. Tại cuộc họp này, đại diện Công an quận Tân Phú cho rằng căn cứ vào công văn liên ngành ký ngày 7-2-2007 giữa công an, VKSND và TAND TP.HCM thì hành vi của Thức đủ cơ sở để khởi tố tội cướp tài sản.

Không đồng ý với quan điểm này, ông Trần Thanh Truyền, Phó Chánh án TAND quận Tân Phú, khẳng định: “Công văn chỉ là để tham khảo, không có giá trị hướng dẫn luật mà phải căn cứ vào BLHS, xác định ý thức chủ quan của ông B. có lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng mà giao tài sản hay không. Nhưng qua lời khai của ông B. là không bị ép buộc về mặt tinh thần hay vũ lực mà phải giao tài sản. Trong khi đó, không có nhân chứng xác định tự ông B. móc tiền đưa cho Thức hay Thức tự lấy nên chưa đủ cơ sở để xử lý về hành vi cướp tài sản” (trích nguyên văn).

Đồng quan điểm với TAND quận Tân Phú, kiểm sát viên nghiên cứu vụ án cũng cho rằng: “Hành vi của Thức chưa đủ cơ sở để xử lý về tội cướp tài sản và không thể tách rời việc dùng vũ lực khi không đủ cơ sở khởi tố về tội cố ý gây thương tích lại tách ra để khởi tố tội cướp tài sản. Hành vi của Thức phạm tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của bị hại kéo dài liên tục từ khi kinh doanh cho đến khi đi đòi nợ. Bị hại không trả mà còn có lời lẽ thách thức kể cả khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật” (trích nguyên văn).

Với những ý kiến trái chiều kể trên nên cuộc họp liên ngành không thống nhất được hướng xử lý.

Thế nhưng sau đó Công an quận Tân Phú vẫn ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam anh Thức về tội cướp tài sản từ tháng 10-2014 đến nay.

Không phải cứ dùng vũ lực lấy tài sản là cướp

Trong vụ án này, tòa án đã tuyên buộc ông B. phải trả cho anh Thức 14 triệu đồng nhưng ông B. không thi hành án. Biết ông B. thường đến lấy tiền nhà ở một địa điểm nên anh Thức đã phục sẵn chờ ông B. xuất hiện là xông ra đòi nợ. Khi chặn được ông B. và yêu cầu trả nợ thì ông B. không những không chịu trả mà còn thách: “Tao không trả mày làm gì tao. Lên công an mà lấy!”. Quá bực tức nên anh Thức đánh và vật ông B. xuống sàn nhà là sai. Nếu hành vi này lại gây ra thương tích cho ông B. với tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên thì anh Thức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Tuy nhiên, ông B. chỉ bị đau chứ không có tỉ lệ thương tật. Do bị đánh nên ông B. phải móc túi lấy tiền đưa cho anh Thức hoặc như lời khai của ông B. là anh Thức thò tay vào túi lấy tiền của ông. Hành vi này nếu chỉ căn cứ vào khách quan thì ai cũng cho rằng hành vi của anh Thức là hành vi cướp tài sản. Tuy nhiên, tội cướp tài sản cũng như các tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu còn có dấu hiệu bắt buộc là người phạm tội phải có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thì mới cấu thành tội này. Không phải cứ dùng vũ lực lấy tài sản là cấu thành tội cướp, cho dù tội cướp là tội cấu thành hình thức hay cấu thành vật chất thì yếu tố cần và đủ đối với tội phạm này là người phạm tội phải có ý định chiếm đoạt và để thực hiện ý định đó nên đã dùng vũ lực đối với người bị hại để chiếm đoạt tài sản.

Ở đây, anh Thức hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt tiền của ông B. mà chỉ có ý định đòi nợ. Do đó không hội tụ đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản. Từ trước đến nay, nhiều người cứ ngộ nhận rằng dùng vũ lực mà lấy tài sản của người khác là cấu thành tội cướp, trong khi đó hành vi dùng vũ lực hoàn toàn không phải là tiền đề của hành vi chiếm đoạt mà có khi chỉ là vì một động cơ khác. Trong trường hợp cụ thể này, nếu số tiền anh Thức lấy của ông B. lại lớn hơn số tiền mà ông B. nợ của anh Thức thì số tiền “dư” ra đó sẽ bị coi là chiếm đoạt.

Việc cơ quan điều tra căn cứ vào công văn liên ngành của tòa án, VKS và Công an TP.HCM để cho rằng anh Thức phạm tội cướp tài sản cũng cần phải xem lại, vì nội dung công văn này cũng nhấn mạnh phải đồng thời làm rõ ý thức chủ quan. Vì về lý luận, tội phạm là một thể thống nhất giữa ý thức chủ quan với hành vi khách quan.

Mặt khác, công văn liên ngành thành phố thì chưa phải văn bản pháp luật có tính bắt buộc đối với cấp dưới, mà chỉ có tính tham khảo khi áp dụng vào trường hợp phạm tội cụ thể. Đối với ý kiến của cuộc họp liên ngành cũng vậy, nếu liên ngành lại áp đặt, bắt thẩm phán hoặc HĐXX phải xử tội này hay tội khác thì lại vi phạm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Lãnh đạo TAND quận Tân Phú có lý khi cho rằng “công văn chỉ là để tham khảo không có giá trị hướng dẫn luật mà phải căn cứ vào BLHS”.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đánh, xiết nợ và cướp tài sản

“Từ nay về sau khi xử lý các vụ việc mà đối tượng có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để lấy tài sản dưới dạng xiết nợ, các đơn vị cần làm rõ yếu tố khách quan là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tuy nhiên, phải đồng thời làm rõ ý thức chủ quan của tội này mới khởi tố được. Nếu các đối tượng thấy trước bị hại có tài sản rồi tổ chức đánh, dùng sức mạnh lấy tài sản rồi mới nói là xiết nợ thì phải kiên quyết xử lý về tội cướp tài sản. Trường hợp bức xúc do bị chiếm dụng vốn, đối tượng có hành vi đánh con nợ sau đó mới nhìn thấy có tài sản và nảy sinh ý định lấy tài sản để xiết nợ thì không được khởi tố về tội cướp tài sản mà có thể xử lý bằng biện pháp khác”.

(Trích Công văn liên ngành ngày 7-2-2007 của công an, VKSND và TAND TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm