Nhậu xong đi tè, bị quy tội cướp?

Ngày 19-11, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã đưa vụ án Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ cướp tài sản ra xử sơ thẩm. Kết thúc phần tranh luận, tòa tuyên bố nghị án kéo dài để có thời gian xem xét một số chứng cứ và dự kiến ngày 26-11 sẽ tuyên án.

Vụ án này lạ một điều là vụ cướp chưa xảy ra, người bị hại chỉ mới nhác thấy bóng hai bị cáo trong đêm đã quay xe đến chốt dân phòng báo tin, sau đó hai bị cáo bị truy bắt và thành vụ án cướp tài sản.

Bị hại: “Tôi đoán là cướp”

Uống và Sỹ làm tại cơ sở sản xuất thức ăn gia súc ở ấp 5, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh. Đêm 5-12-2012, Uống và Sỹ nhậu với nhóm bạn làm chung. Sau đó, cả hai bị bắt về công an xã rồi bị khởi tố, truy tố tội cướp có dùng phương tiện nguy hiểm là ba cây tầm vông.

Cáo trạng xác định hai bị cáo nhậu xong thì cùng hai người bạn là Đen và Sệt bàn nhau chặn xe để cướp bán lấy tiền tiêu xài. Uống, Đen, Sệt mỗi người cầm cây tầm vông dài khoảng 50 cm (chưa thu hồi được) cùng Sỹ đi bộ ra đường Trần Đại Nghĩa cách chỗ làm khoảng 50 m. Bốn người chia hai bên đường đứng đợi. Lát sau, anh Phan Thanh Quyền chạy xe máy đến gần nhìn thấy nên hoảng sợ quay đầu xe. Đen và Sệt xông ra. Đen cầm cây đánh nhưng không trúng. Cả nhóm đuổi theo và ném cây về phía anh Quyền định làm ngã xe nhưng anh Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin.

Nhậu xong đi tè, bị quy tội cướp? ảnh 1

Trần Văn Uống (trái) và Khưu Khánh Sỹ tại tòa. Ảnh: PL

Tuy nhiên, bản trình báo vụ việc ngay trong đêm đó của anh Quyền - người bị hại lại nêu: “Cách 30 m thấy hai thanh niên cầm cây, đứng cặp hai bên đường, tôi đoán là cướp”. Nhưng trong bản khai vào chiều hôm sau, anh Quyền đã khai thêm chi tiết hai thanh niên này xông thẳng về phía anh nên anh quay đầu xe thì bị ném cây theo.

Người bị hại vắng mặt tại tòa. Luật sư đề nghị hoãn xử để triệu tập anh Quyền đến tòa nhằm làm rõ hơn hành vi của các bị cáo, bởi mọi việc bắt đầu từ nhìn nhận và khai báo của chính anh. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận vì người bị hại “sợ bị trả thù nên không dám đến”.

Không rõ quả tang gì

Uống và Sỹ bị truy bắt ngay trong đêm, đưa về trụ sở công an xã. Đến 3 giờ chiều hôm sau thì công an xã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Biên bản ghi nhận lời trình báo của anh Quyền, lời khai của Uống, Sỹ và hai người trực tiếp đi bắt.

Cáo trạng kết luận Đen và Sệt là đồng phạm nhưng đã đi khỏi nơi cư trú. Công an huyện Bình Chánh ra thông báo truy tìm, khi nào tìm được xử lý sau.

Trong phần thẩm vấn, tòa cách ly hai bị cáo. Dù vậy, cả hai đều có lời khai rất thống nhất với nhau, rằng không có chuyện cầm cây chặn đường cướp xe.

Uống khai đêm đó cả nhóm nhậu tại chỗ làm. Sau khi nhậu xong, Uống, Đen và Sệt cởi trần, khoác áo trên vai đi hóng mát, không mang theo bất cứ thứ hung khí gì như cáo trạng quy kết.

Sỹ thì khai rằng lúc đó khoảng 11 giờ đêm, nhậu xong ba người kia đi tè còn Sỹ vẫn ngồi nhậu. Đến 11 giờ 50, đến giờ ra lò (làm việc), Sỹ ra ngoài tìm ba bạn để phụ Sỹ ra lò. Lúc này, ba người bạn cách lò chừng 50 m , Sỹ đi bộ đến nơi định kêu thì thấy đám đông ào đến kêu la: “Rượt bắt mấy thằng đó”. Cả nhóm bỏ chạy. Sỹ trốn vào bụi cây và bị phát hiện.

Tòa: “Không phạm tội sao bỏ chạy?”

Cả hai đều khai trước tòa rằng tại Công an xã Lê Minh Xuân họ bị đánh đau quá nên buộc phải khai theo ý cán bộ, phải viết theo bản tự khai nhận tội có sẵn rồi ký tên. Tòa và VKS thay nhau yêu cầu các bị cáo kể tên những người tham gia đánh. “Họ nhiều người mặc đồ sơ vin, xông vào đánh túi bụi, còn treo bị cáo lên. Bị cáo không thể biết họ tên gì” - Sỹ trình bày. “Bị cáo có chứng cứ gì chứng minh mình bị đánh không?” - tòa vặn. “Đánh cả năm nay rồi làm sao còn dấu vết gì được chứ” - Uống trả lời.

Tòa: “Sao bị cáo không phạm tội mà lại bỏ chạy? Mình ngay thẳng thì việc gì phải sợ?”. Sỹ: “Thưa tòa, tự dưng thấy đám đông người chạy xe ầm ầm trong đêm, không mở đèn xe, tay cầm cây, miệng la “Bắt nó! Bắt nó!”, bị cáo sợ nên phải chạy”. Tòa: “Mình ngay thẳng thì việc gì phải sợ?”. Sỹ: “Thưa tòa, lỡ khi đó không phải công an và dân phòng thì sao?”…

Chứng cứ quá mập mờ

Cơ quan tố tụng chỉ dựa vào hai nguồn lời khai là lời khai trình báo của người bị hại và lời khai nhận tội (tại cơ quan điều tra) của hai bị cáo. Tại tòa, hai bị cáo dù đã được cách ly mà vẫn khai trùng khớp, thống nhất với nhau rằng họ không cầm cây và cũng không ai có ý định cướp, họ chỉ ra đường hóng mát và đi tè. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy có thể họ không phạm tội.

Về tố tụng, cần xem xét lại biên bản phạm tội quả tang. Việc bắt hai bị cáo vào đêm hôm trước mà đến 3 giờ chiều hôm sau mới lập biên bản quả tang là không ổn. Bắt quả tang nhưng không thu được vật chứng, cũng không xác định được hành vi phạm tội ngay khi bắt. Phải làm rõ vì sao không thu được vật chứng và vật chứng có hay không. Không thu được vật chứng (là công cụ, phương tiện dùng để phạm tội) mà lại truy tố dùng phương tiện nguy hiểm là rất không ổn.

Theo tôi, với chứng cứ thế này mà buộc tội bị cáo là quá khiên cưỡng, rất dễ dẫn đến oan sai.

Luật sư TRỊNH THANH, VPLS Người Nghèo (TP.HCM)

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm