TAND Tối Cao vừa ban hành Chỉ thị số 03/2019 về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo chỉ thị, qua thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thời gian qua cho thấy việc áp dụng các quy định về BPKCTT tại các TAND về cơ bản đã đảm bảo đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số tòa để xảy ra sai sót, vi phạm. Trong đó có những sai sót khi áp dụng những quy định chung về các BPKCTT.
Về quyền yêu cầu áp dụng, tòa án có thẩm quyền áp dụng BPKCTT là tòa án đang giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có trường hợp tại thời điểm nhận đơn yêu cầu, tòa án đã biết việc thụ lý vụ án là không đúng thẩm quyền nhưng vẫn ra quyết định áp dụng (sau đó mới chuyển vụ án theo thẩm quyền) là vi phạm.
Ảnh minh họa
Về thủ tục áp dụng (Điều 133 BLTTDS), có trường hợp thẩm phán ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng thời hạn. Cạnh đó, còn có tòa án không có sổ theo dõi nhận đơn, không ghi chép thời gian nhận đơn nên không có căn cứ để xác định chính xác thời hạn giải quyết theo quy định.
Có trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT nhưng thẩm phán không ra thông báo bằng văn bản hoặc ra thông báo nhưng không nêu rõ lý do cho người yêu cầu hoặc nêu lý do không áp dụng không đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tình thế khẩn cấp, cần bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện. Trong thời hạn 48 giờ, thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng BPKCTT. Tuy nhiên, khi nhận được đơn thì tòa án lại từ chối việc áp dụng BPKCTT vì chưa thụ lý vụ án là chưa đúng theo quy định.
Cạnh đó, thẩm phán chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng những BPKCTT này, thẩm phán có sai sót là không ấn định rõ số tiền bị phong tỏa; không xác định giá trị tài sản phong tỏa mà phong tỏa một phần tài sản chung (chưa chia).
Có trường hợp phong tỏa số tiền hoặc tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc phong tỏa số tiền, tài sản có giá trị vượt quá yêu cầu của người yêu cầu.
Về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, trong một số trường hợp chỉ được áp dụng BPKCTT khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm nhưng tòa án vẫn áp dụng khi người yêu cầu chưa thực hiện biện pháp bảo đảm. Có trường hợp tòa án ấn định số tiền buộc thực hiện biện pháp bảo đảm quá ít hoặc quá nhiều, không tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng.
Đối với vụ án đã được đình chỉ, thẩm phán không hủy bỏ BPKCTT đã áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 138 BLTTDS. Sau đó, người yêu cầu áp dụng BPKCTT đề nghị hủy bỏ thì thẩm phán mới ra quyết định hủy bỏ.
Về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, đương sự thực hiện quyền khiếu nại về việc tòa án không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT khi đã quá thời hạn nhưng chánh án vẫn xem xét giải quyết khiếu nại. Trường hợp đương sự khiếu nại trong thời hạn nhưng chánh án không giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại bằng thông báo trả lời khiếu nại hoặc công văn mà không ra quyết định giải quyết khiếu nại là không đúng.