Nuôi heo bằng chất tạo nạc: Phạt tiền thật nặng

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, dư luận đang bất bình trước tình trạng người chăn nuôi heo sử dụng chất tạo nạc có chứa chất cấm thuộc nhóm beta-agonist bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Theo các quy định hiện hành, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt hành chính với mức phạt thấp nên không đủ sức răn đe, người chăn nuôi heo vì lợi nhuận lớn vẫn sẵn sàng vi phạm. Vì thế, nhiều chuyên gia đã đề nghị sửa BLHS để xử lý nghiêm khắc hơn.

Phạt tiền thật nặng là đủ sức răn đe

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại có quan điểm khác: “Tôi nghĩ đề xuất xử lý hình sự người dùng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là chưa cần thiết dù ai cũng biết tác hại của chất cấm đối với sức khỏe người tiêu dùng”.

TS Tuấn phân tích: Thứ nhất, đây là hành vi đang mang tính phổ biến trong ngành chăn nuôi, mà cái gì phổ biến quá trong cuộc sống thì cũng khó xử lý hình sự. Thứ hai, người chăn nuôi cũng có khi chỉ biết đó là chất kích thích tăng trưởng, thấy có người bán thì mua về dùng chứ họ không thể phân biệt được cái nào bị cấm, cái nào độc, cái nào không độc. Thứ ba, việc để thực phẩm không đủ an toàn vệ sinh xuất hiện trên thị trường, lỗi chính vẫn thuộc các cơ quan quản lý thị trường, kiểm dịch chất lượng sản phẩm. Vì trách nhiệm của các cơ quan này là phải kiểm tra, kiểm soát và nếu làm tốt thì vẫn có thể kịp thời ngăn ngừa, ngăn chặn người chăn nuôi dùng các chất cấm để trục lợi. Thứ tư, mức phạt hành chính với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện chưa đủ sức khiến người chăn nuôi sợ. Nếu lợi nhuận mà người chăn nuôi kiếm được gấp nhiều lần mức phạt thì họ sẵn sàng vi phạm.

“Còn nhiều biện pháp khác để ngăn ngừa, hạn chế việc này. Không phải cái gì cũng đem bỏ tù thì mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa” - TS Tuấn nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng chỉ cần sửa lại quy định trong Nghị định 119/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi) theo hướng nâng mức phạt hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lên gấp nhiều lần là đủ sức răn đe. “Hiện nay mức phạt tiền tối đa với hành vi này theo Điều 36 Nghị định 119/2013 chỉ có 20 triệu đồng, thấp như thế thì làm sao người chăn nuôi sợ. Nhưng nếu chúng ta tăng mức phạt lên gấp năm, bảy lần hoặc lấy chính giá trị lợi nhuận bất chính làm căn cứ để đưa ra mức phạt ngang bằng hay cao hơn thì lại là chuyện khác. Chỉ có như vậy người chăn nuôi mới biết sợ mà không dám sử dụng chất cấm, người vi phạm mới biết sợ mà không tái phạm” - luật sư Bình nói.

Nhân viên Chi cục Thú y lấy mẫu xét nghiệm chất cấm tại một trại heo ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Bình Nguyên

Mạnh tay tiêu hủy

Theo ThS Nguyễn Đình Thắm (giảng viên Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), ngoài việc phạt tiền thật nặng, các biện pháp buộc người vi phạm khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 36 Nghị định 119/2013 cũng phải sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn.

Cụ thể, điều khoản này quy định buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ (đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại); buộc phải tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm. “Theo tôi, chỉ cần phát hiện hộ gia đình và trang trại chăn nuôi vi phạm là buộc tịch thu, tiêu hủy hết vật nuôi. Làm như vậy vừa có tính răn đe cao, vừa ngăn ngừa việc người vi phạm tẩu tán vật nuôi trong thời gian chờ xử lý” - ThS Thắm đề xuất.

Luật sư Nguyễn Minh Luận (Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Công Lý) cũng nhận xét: Phải siết chặt các quy định liên quan đến hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có việc xử phạt hành chính thật nặng, thật nghiêm. Cạnh đó là siết chặt hoạt động quản lý nhà nước với các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, trong đó có chất tạo nạc.

Tăng cường kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm chất cấm

“Tại những cơ sở giết mổ ở TP.HCM đã từng phát hiện heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine), cơ quan thú y sẽ tăng tần suất lấy mẫu nước tiểu heo để xét nghiệm. Nếu thực trạng heo chứa chất cấm không giảm, Chi cục Thú y TP.HCM sẽ kiến nghị yêu cầu cơ sở giết mổ tạm ngưng nhập heo từ các địa phương có heo dương tính với chất cấm” - ông Phan Xuân Thảo (Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM) cho biết như trên vào sáng 13-8.

Theo ông Thảo, trong tháng 6-2015, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện heo chứa chất cấm có nguồn gốc từ ba tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang được đưa vào 5/8 cơ sở ở quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi để giết mổ. Trong khi đó, cả năm 2014 chỉ phát hiện heo chứa chất cấm có nguồn gốc từ hai tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang được đưa vào 3/8 cơ sở giết mổ. “Điều này cho thấy việc sử dụng chất cấm tại các hộ, trại chăn nuôi heo ở các tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ” - ông Thảo nói.

Trong khi đó tại Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Đạo (Giám đốc Sở NN&PTNT) cho biết: Sáu tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng tỉnh này đã tiến hành được hai đợt kiểm tra các hộ, các trang trại chăn nuôi heo. Đợt đầu kiểm tra 40 mẫu, phát hiện ba mẫu dương tính với chất cấm (chiếm tỉ lệ 7,5%). Đợt thứ hai kiểm tra 44 mẫu, phát hiện 14 mẫu dương tính với chất cấm (chiếm tỉ lệ 32%). Sau đợt kiểm tra thứ hai, các cơ quan chức năng đã chủ động cung cấp danh sách người vi phạm có địa chỉ để báo chí thông tin, mặt khác giám sát chặt không cho họ đưa heo ra thị trường tiêu thụ mà buộc giam lại để heo thải loại hết chất cấm mới cho bán. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng chuyển toàn bộ 14 trường hợp sang cho cơ quan công an để truy nguồn gốc của chất cấm ở đâu ra.

“Từ nay tới cuối năm Đồng Nai sẽ còn hai đợt kiểm tra nữa và chúng tôi sẽ tăng cường nhân sự để tiếp tục thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về kiểm tra chất cấm trong thời gian tới” - ông Đạo nói.

TRẦN NGỌC - TIẾN DŨNG

Các chất tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) đã bị cấm không được dùng để chăn nuôi theo quyết định của hai tổ chức WHO (Y tế Thế giới) và FAO (Nông lương Thế giới). Các chất này bị cấm vì gây ra độc hại cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt còn tồn dư lượng. Theo giới y khoa, chúng gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ, hệ tim mạch, gây biến chứng ung thư… cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, các chất này đã bị cấm sử dụng từ năm 2002.

ThS Nguyễn Đình Thắm nhận xét không chỉ gây nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn gây tác hại tới nền kinh tế: “Chúng ta đã hội nhập sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc trong sản xuất loại hàng hóa này mà các nước nhập hàng của chúng ta đưa ra. Nếu không nhanh chóng loại bỏ việc sản xuất, kinh doanh nông nghiệp kém chất lượng thì ảnh hưởng tới xuất khẩu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm