Vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Liên đoàn) đã có những góp ý cụ thể đối với dự thảo Đề cương chi tiết Luật Luật sư thay thế.
Góp ý về chính sách đối với luật sư
Về chính sách của Nhà nước đối với luật sư và hành nghề luật sư, theo Liên đoàn, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Đảng (về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới) xác định hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Theo Liên đoàn, nhiệm vụ này cần được thể chế trong Luật Luật sư. Vì vậy, cần bổ sung vào Chương 1 một điều thể hiện chính sách của Nhà nước đối với việc “xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam”, “bảo đảm quyền hành nghề của luật sư", và “đào tạo, bồi dưỡng luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.
Về đào tạo nghề luật sư, Liên đoàn đề xuất bổ sung quy định về việc “người được miễn đào tạo hành nghề phải qua khóa đào tạo nghề ngắn hạn” từ 3 tháng đến 6 tháng.
Về cơ sở đào tạo nghề luật sư, Liên đoàn đề nghị luật hóa quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Việc bổ sung quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư trong Luật Luật sư trong bối cảnh hiện nay phù hợp với cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Về miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, Liên đoàn đề nghị cân nhắc phương án tất cả các đối tượng phải tập sự hành nghề luật sư, không có quy định miễn nhưng có sửa đổi. Theo đó, tất cả các đối tượng phải tập sự hành nghề luật sư, nhưng có quy định giảm thời gian tập sự hành nghề cho một số đối tượng (như người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp).
Có nên quy định kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề luật sư?
Về thời điểm gia nhập Đoàn Luật sư, Liên đoàn ủng hộ đề xuất quy định chế độ “luật sư tập sự” đã được quy định trong các Pháp lệnh về luật sư trước khi ban hành Luật Luật sư năm 2006.
Theo đó, thời điểm gia nhập Đoàn Luật sư được đề xuất là “thời điểm đăng ký tập sự” thay vì sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư như Luật Luật sư hiện hành. Như vậy sẽ làm cơ sở để Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện giám sát việc tập sự hành nghề luật sư hiệu quả hơn.
Về đề xuất "kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề luật sư", để có cơ sở xem xét, Liên đoàn đề nghị làm rõ lý do, nội dung, cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia.
Theo Liên đoàn, hiện nay kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Liên đoàn tổ chức đang ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp và được giới luật sư nói riêng và xã hội nói chung đánh giá cao. Việc thay đổi, nếu có, cần dựa trên các lập luận về pháp lý, bối cảnh thực tiễn, đánh giá, tổng kết quá trình kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư trong thời gian qua. Ngoài ra, quy định về kỳ thi quốc gia cần được đánh giá tác động theo quy định tại Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi đề xuất bổ sung vào Luật Luật sư.
Đánh giá tác động cụ thể về chế định "luật sư công"
Đề cương chi tiết Luật Luật sư bổ sung 1 mục gồm 4 điều (50, 51, 52 và 53) quy định về luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước để bảo vệ lợi ích công theo hình thức hợp đồng lao động.
Theo Liên đoàn, việc quy định luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước theo hình thức hợp đồng lao động (một hình thức luật sư công) không phải là vấn đề đặt ra lần đầu. Trước đây, khi xây dựng Luật Luật sư 2006 và Luật Luật sư sửa đổi năm 2012 vấn đề luật sư công cũng đã đặt ra nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, ban ngành.
Hiện nay các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đều có bộ phận pháp chế xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật sư là hành nghề độc lập; tiêu chuẩn của luật sư là không phải là công chức, viên chức.
Vì vậy, theo Liên đoàn, việc quy định cơ quan nhà nước ký hợp đồng lao động với luật sư cần được cân nhắc kỹ để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đảm bảo không phát sinh biên chế và chi phí cho bộ máy nhà nước. Liên đoàn đề nghị nghiên cứu kỹ và có đánh giá tác động cụ thể về chế định luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước.