Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ và thương mại Hải Long (gọi tắt là DN Hải Long) tại thị xã Dĩ An, Bình Dương do vợ chồng bà Huỳnh Thị Thanh Xuân đứng tên. Trước đây DN này có vay tiền của chi nhánh ngân hàng K. để xây dựng chung cư An Bình thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và dự án chung cư hình thành tương lai.
Hai ngân hàng cùng kiện đòi nợ
Năm 2010, sau khi xây xong chung cư, DN Hải Long đã hoàn công và làm giấy chứng nhận quyền sở hữu riêng ba tầng dưới của chung cư làm trung tâm thương mại. Sau đó vợ chồng bà Xuân đã bán riêng trung tâm thương mại này cho vợ chồng con gái Đoàn Khánh Linh (thủ tục sang tên cấp giấy chứng nhận do UBND huyện Dĩ An hoàn tất vào ngày 8-11-2010).
Sau khi mua và đứng tên sở hữu, vợ chồng bà Linh ký hợp đồng thế chấp trung tâm thương mại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - Chi nhánh Phú Đông để bảo lãnh cho DN Hải Long vay vốn. do DN Hải Long để khoản vay quá hạn nên cuối năm 2013 chi nhánh Ngân hàng SCB khởi kiện ra TAND thị xã Dĩ An.
Bản thân DN Hải Long cũng để quá hạn khoản nợ nên chi nhánh Ngân hàng K. cũng khởi kiện ra Tòa thị xã Dĩ An. Do tài sản thế chấp là QSDĐ và dự án hình thành tương lai nên ngân hàng này đề nghị tòa phát mại toàn bộ tòa nhà chung cư, gồm cả trung tâm thương mại của vợ chồng bà Linh.
Đầu năm 2014, TAND thị xã Dĩ An nhập hai vụ kiện trên thụ lý thành một vụ án và chuyển lên cho TAND tỉnh Bình Dương giải quyết. Hai tháng sau TAND tỉnh chính thức thụ lý vụ án.
Ngày 3-6-2014, thẩm phán thụ lý thừa lệnh chánh án TAND tỉnh ký Văn bản số 117/TA-KT không có tiêu đề, không có căn cứ vào điều luật nào gửi UBND phường An Bình và thị xã Dĩ An. Nội dung là tạm ngưng thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển nhượng đối với toàn bộ chung cư An Bình trong đó có phần trung tâm thương mại.
Chung cư An Bình nơi xảy ra sự việc.
Văn bản “lạ” của thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương. Ảnh: VH
Ngân hàng SCB cho rằng việc làm của thẩm phán là trái luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên có đơn tố cáo thẩm phán nhưng chưa được trả lời. Theo ngân hàng, thẩm phán chỉ được ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản theo yêu cầu của đương sự, trong khi không ai yêu cầu.
Tháng 10-2016, TAND tỉnh cho rằng có dấu hiệu hình sự nên đã chuyển hồ sơ cho công an tỉnh làm rõ. Một tháng sau TAND tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả xác minh. Ngày 12-11 vừa qua, cơ quan CSĐT công an tỉnh ký Văn bản số 378/PC46 gửi Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Dĩ An, đề nghị tạm ngưng thực hiện thủ tục chuyển dịch và giao dịch dân sự đối với riêng trung tâm thương mại An Bình. Lý do là phần tài sản này đang thế chấp cùng lúc tại hai ngân hàng.
Ngày 28-11 mới đây, Ngân hàng SCB cũng gửi đơn khiếu nại cách xử lý của công an tỉnh. Lý do: thời hạn xác minh tin báo tội phạm đã hơn một năm vi phạm thời gian quy định tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS (thời gian xác minh không quá hai tháng) và Thông tư liên tịch số 06/2013 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đến nay công an không có thông báo có khởi tố vụ án hay không, đã vậy còn ra văn bản ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản đã được thế chấp cho ngân hàng.
Trong khi việc thế chấp tài sản đúng quy định và ngân hàng đang xử lý để thu hồi nợ quá hạn. Cụ thể, Ngân hàng SCB đang xử lý bằng cách bán phần tài sản này theo quy định tại Nghị quyết 42 ngày 21-6-2017 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng). Vợ chồng bà Linh đã bàn giao và cùng Ngân hàng SCB ký hợp đồng bán phần tài sản này cho một người khác (công chứng vào ngày 26-10-2017). Do số tiền bán tài sản chưa đủ trả nợ nên ngân hàng không rút đơn khởi kiện mà để có bản án rồi sẽ yêu cầu DN Hải Long trả tiếp.
Theo ngân hàng, Điều 11 nghị quyết này quy định tài sản đang thế chấp tại ngân hàng thì các cơ quan khác không được kê biên xử lý khi không có sự đồng ý của ngân hàng. Văn bản trái thẩm quyền trên gây khó khăn và thiệt hại cho ngân hàng khi xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ và người mua tài sản ngay tình.
Có lạm quyền?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), thẩm phán ký văn bản là tháng 6-2014 nên phải áp dụng BLTTDS 2004. Theo khoản 7 Điều 102 bộ luật này thì tòa có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạp thời ngăn chặn chuyển dịch tài sản nhưng phải theo yêu cầu của đương sự và với hình thức là quyết định. Việc thẩm phán thừa lệnh chánh án ký văn bản không tiêu đề với nội dung giống như quyết định ngăn chặn là không đúng. Đây là một dạng văn bản không chính danh nên không được coi là một biện pháp tố tụng và không có giá trị bắt buộc thi hành.
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành các biểu mẫu trong TTDS cũng không có loại văn bản nào cho phép thẩm phán thừa lệnh chánh án ký văn bản có nội dung ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản. “Pháp luật dân sự đề cao nguyên tắc tự định đoạt của đương sự nên các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản đều phải do đương sự yêu cầu, tòa không thể tự ra văn bản. Trong vụ này thẩm phán đã lạm quyền khi làm thay đương sự là vi phạm quyền tự định đoạt của họ một cách trái pháp luật” - TS Tiến nói.
Theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), về tố tụng hình sự, việc công an tỉnh vi phạm thời hạn xác minh tin báo tố giác tội phạm đã rõ. Riêng về văn bản đề nghị ngưng chuyển nhượng tài sản khi chưa (hoặc không) khởi tố vụ án là sai luật, có dấu hiệu lạm quyền.
Theo Điều 146 BLTTHS, cơ quan điều tra có quyền ra quyết định kê biên tài sản của bị can khi đã khởi tố vụ án hình sự. Điều này nhằm tránh việc kê biên sai, thiếu căn cứ thiệt hại cho đương sự. luật không có quy định nào cho phép trong giai đoạn xác minh tin tố giác tội phạm công an có quyền ra văn bản yêu cầu tạm ngưng thực hiện thủ tục chuyển dịch tài sản. Đây là việc làm vượt quá thẩm quyền luật định. Phía ngân hàng có quyền khởi kiện yêu cầu cơ quan điều tra hủy bỏ ngăn chặn và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Đẩy qua đẩy lại Để làm rõ sự việc, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương thì lãnh đạo này cho biết đã giao cho Phòng CSĐT tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) kiểm tra và trả lời tố cáo. Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng PC46, cho biết: “Chúng tôi mới tiếp nhận đơn khiếu nại của Ngân hàng SCB, chúng tôi sẽ kiểm tra để trả lời quy định”. Về phía TAND tỉnh Bình Dương, khi PV liên hệ để nắm thông tin thì bộ phận văn phòng giới thiệu gặp Phó Chánh án Nguyễn Thị Tuyết Thanh, là người đang giải quyết tố cáo của phía ngân hàng. Bà Thanh cho biết người phát ngôn là chánh án nên phải có ủy quyền của chánh án thì mới trả lời báo chí. sau nhiều lần liên hệ thì vị chánh án TAND tỉnh đẩy ngược lại: “Chưa thấy ai nói với tôi, có gì anh cứ liên hệ văn phòng...”. |