Trầm Bê nói Dương Thanh Cường không lừa Sacombank

Ngày 24-7, phiên sơ thẩm vụ siêu lừa Dương Thanh Cường và Trầm Bê cùng các đồng phạm gây thất thoát 505 tỉ đồng tiếp tục phần xét hỏi.

Phiên tòa này, bị cáo Dương Thanh Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng các thuộc cấp bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: HOÀNG YẾN

Bị cáo Trầm Viết Trung (giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng, ủy viên thường trực hội đồng tín dụng (HĐTD) Ngân hàng Phương Nam), người bị khởi tố, truy tố sau khi VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung, đã kêu oan.

Ông Trung cho rằng việc cho vay là phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty Thanh Phát đảm bảo các điều kiện vay vốn, bị cáo đã đọc kỹ hồ sơ hợp đồng tín dụng và trình xét duyệt. Và quy định nội bộ ngân hàng cho phép tài sản cho vay không cần qua công chứng mà cần sự chấp thuận của Hội đồng quản trị.

Bị cáo Trầm Bê được dẫn giải đến toà. Ảnh: HOÀNG YẾN

Về phần liên đới bồi thường, bị cáo này đề nghị HĐXX làm rõ hơn vì còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Cụ thể bị cáo không gây thiệt hại, khoản vay liên quan phần mình đã được tất toán và các khoản vay sau không tham gia nên yêu cầu liên đới bồi thường là không đúng. Bị cáo Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTD) cùng các đồng phạm cũng đề nghị xem xét lại phần thiệt hại.

Bị hại Sacombank trình bày, Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank từ tháng 10- năm 2015. Khi nhận bàn giao khoản phải thu 505 tỉ đồng và 23 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngân hàng Phương Nam. Vì vậy nay Sacombank muốn thu hồi số tiền 505 tỉ đồng này bằng cách giao cho Sacombank xử lý 23 sổ hồng.

Dương Thanh Cường với "thành tích" dày cộm án lừa đảo. Ảnh: HOÀNG YẾN

Về trách nhiệm bồi thường của các bị cáo, đại diện Sacombank đề nghị HĐXX xem xét theo quy định pháp luật. Về trách nhiệm hình sự, đại diện ngân hàng mong HĐXX chiếu cố cho ông Trầm Bê và các bị cáo thuộc cấp được hưởng mức án nhẹ nhất.

Còn đại diện Agribank cho rằng tòa tuyên kê biên 23 sổ hồng trên để đảm bảo việc bị cáo Cường khắc phục cho Agribank 171 tỉ. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường của Cường cho Agribank chi nhánh 6 là 1.127 tỉ đồng. Do đó, đại diện này đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường, khắc phục hậu quả của Cường.

Liên quan đến vụ việc Cường đem 23 sổ đỏ đã thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 đi thế chấp cho ngân hàng Phương Nam, nhiều cán bộ Agribank đã bị xử lý hình sự trước.

Nói về khu đất có 23 sổ đỏ trong vụ án, ông Bê cho là dù nằm trong quy hoạch thì chỉ cần Nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn đủ để thanh toán cho cả 2 ngân hàng.

Liên quan đến việc xin nộp thay cho bị cáo Cường 171 tỉ đồng hôm qua, ông Bê trần tình là muốn dứt điểm một bên để giải quyết sớm vụ việc. Song ông chỉ nộp tiền nếu giải tỏa kê biên và giao cho Sacombank 23 giấy chứng nhận nêu trên. Đồng thời ông cũng cam kết trong vòng 15 ngày sẽ thực hiện ngay việc nộp tiền.

Ông Bê cũng cho rằng Cường không lừa Sacombank “bởi chúng tôi đang giữ tài sản”. Năm 2010 ông Cường còn nợ ngân hàng Phương Nam 331 tỉ đồng sau đã tất toán. Khi ngân hàng Phương Nam sát nhập vào Sacombank thì tài sản của ngân hàng Phương Nam chuyển sang Sacombank. Nếu tài sản này bán có lời thì Sacombank hưởng trọn, còn nếu bán lỗ thì Sacombank phải chịu.

Vì Cường đã tất toán với ngân hàng Phương Nam nên ông không còn trách nhiệm gì nữa, không thể "đổ thừa" cho ông Cường cũng như các nhân viên ngân hàng.

Còn sở dĩ có con số chênh lệch (ông Cường nợ ngân hàng Phương Nam 331 tỉ nhưng trên sổ sách Sacombank ghi nợ 505 tỉ) là do trước đây ông Cường vay bằng vàng, mà tỉ giá vàng lúc lên lúc xuống…

Theo hồ sơ, 23 bất động sản trên được định giá hơn 582 tỉ đồng và đang được kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. CQĐT và VKS xác định phần giá trị dôi ra của khu đất này sau khi thi hành án (khoảng 171 tỉ đồng) cho Agribank, phần còn lại sẽ đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng Phương Nam. Số thiệt hại còn lại của Ngân hàng Phương Nam sẽ do các bị cáo Cường, Bê và đồng phạm liên đới bồi thường.

Dương Thanh Cường đã bị tuyên những án nào?
Bị cáo Dương Thanh Cường đang thụ án nhiều bản án về lừa đảo. 
Năm 1996, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phạt Cường 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân, trốn thuế. Trong năm đó, Dương Thanh Cường còn bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội đưa hối lộ.
Năm 2015, Cường bị phạt thêm 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sáu tháng tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Một năm sau, TAND cấp cao tại TP.HCM phạt Cường mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cường còn lãnh án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án khác.
Năm 2018, TAND TP.HCM phạt Dương Thanh Cường 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm