Từ đề nghị của thẩm phán sơ thẩm đến án lệ số 38

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định về việc công bố hai án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua. Các TAND và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 15-11 tới.

Trong đó, Án lệ số 38 liên quan đến việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án, quyết định có hiệu lực. Nguồn án lệ này dựa trên quyết định giám đốc thẩm tháng 11-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ kiện đòi tài sản tại tỉnh Lâm Đồng giữa nguyên đơn là bà Tô Thị M. và bị đơn là cụ Nguyễn Thị Đ., bà Phạm Thị H., người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm chín người.

Tháng 7-2011, bà M. khởi kiện ra tòa yêu cầu cụ Đ. và bà H. phải hoàn trả cho gia đình bà nhà, đất đã chiếm dụng tại số 12A đường G, phường 5, thành phố T.

TAND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Phía nguyên đơn kháng cáo. TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận hủy quyết định sơ thẩm, giao về cho TAND tỉnh tiếp tục giải quyết.

Ngày 1-9-2017, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét lại quyết định phúc thẩm. Kết quả, chánh án TAND Tối cao có kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy quyết định phúc thẩm nêu trên và giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị, hủy quyết định giải quyết kháng cáo của TAND Cấp cao tại TP.HCM, giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm và trả lại đơn khởi kiện.

Bởi lẽ, bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm năm 2002 của TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên bà H. và cụ Đ. mỗi người được quyền sở hữu 1/2 căn nhà trên. Như vậy, nội dung khởi kiện của bà M. là về căn nhà đã có bản án xác định quyền sở hữu trước đó. Với nội dung quyết định của bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm trên, bà M. không có quyền đòi cụ Đ. và bà H. trả lại căn nhà số 12A đường G, phường 5, thành phố T.

Nội dung yêu cầu khởi kiện của bà M. thuộc trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Nếu bà M. không đồng tình với bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm thì đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án đó theo thủ tục giám đốc thẩm khi thời hiệu còn hoặc tái thẩm khi có căn cứ.

Do đó, TAND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện của bà M. là phù hợp với quy định.

Quyết định của TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ quyết định trên vì cho rằng quan hệ tranh chấp trong vụ án này là đòi tài sản, có nguyên đơn, bị đơn khác với nguyên đơn, bị đơn trong vụ án hôn nhân và gia đình đã được TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm là không đúng.

Theo đó, giải pháp án lệ số 38 đưa ra là tòa sẽ không thụ lý vụ án mới. Người có yêu cầu đòi quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Giao dịch dân sự có điều kiện nhưng vô hiệu

Án lệ số 39 nêu tình huống người thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước (bên bán) cam kết sau khi mua nhà hóa giá sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên mua. Bên bán đã nhận tiền và giao nhà cho bên mua nhưng sau đó Nhà nước không hóa giá và không công nhận quyền sở hữu nhà. Trường hợp này phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà là giao dịch dân sự có điều kiện nhưng vô hiệu do điều kiện của hợp đồng không thể xảy ra.

Án lệ này dựa trên quyết định giám đốc thẩm tháng 11-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về tranh chấp hợp đồng ở nhờ nhà ở tại TP.HCM giữa nguyên đơn là cụ Trần Văn C. và bị đơn là ông Nguyễn Công H., bà Trần Thị C1 và Công ty TNHH MTV Du lịch T. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...