Tường thuật của luật sư bảo vệ Hồ Duy Hải tại Tòa Tối cao

Trưa 6-5, phiên họp giám đốc thẩm của TAND Tối cao vụ Hồ Duy Hải kết thúc buổi làm việc đầu tiên. Đây cũng là lúc chủ tọa phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông báo luật sư (LS) Trần Hồng Phong (Đoàn LS TP.HCM), người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, kết thúc phần làm việc của mình, không cần tham dự nữa.

Ngay sau khi rời phiên tòa, LS Trần Hồng Phong đã gửi riêng cho PLO phần tường thuật của LS trong khoảng hơn 20 phút ông có mặt tại phòng họp hội đồng giám đốc thẩm tại TAND Tối cao.

LS Trần Hồng Phong viết: 

Sau khi khai mạc và VKSND Tối cao trình bày toàn văn quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, chủ tọa mời tôi trình bày về chứng cứ mới và một số vấn đề liên quan.

Luật sư Trần Hồng Phong trao đổi với báo chí sau khi dời TAND Tối cao. Ảnh: BCTP

Tôi nói rằng nội dung quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao mới nêu diễn tiến về phía cơ quan nhà nước. Còn phía gia đình Hồ Duy Hải và LS thời gian qua đã gửi ba lá đơn: Đơn đề nghị giám đốc thẩm, đơn tố giác nghi can Nguyễn Văn Nghị (bạn trai của một trong hai nạn nhân - PV) và đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Những đơn này đã có phiếu nhận, chuyển và theo quy định là sẽ giải quyết, trả lời. Chính vì vậy cần thiết được hội đồng giám đốc thẩm xem xét. Nghe vậy, chánh án TAND Tối cao - chủ tọa phiên tòa nói: “Tôi đã đọc các lá đơn này".

Sau đó, tôi có trình bày những thông tin mới như việc CQĐT có mời anh Lê Phụng Hiếu làm việc nhiều lần, anh Đinh Vũ Thường (nhân chứng trong vụ án - PV) cũng được mời lấy lời khai nhiều lần, lấy dấu tay, cho nhận dạng. Nhưng cả hai người này đều không được mời tham gia các phiên xét xử là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Việc CQĐT có mời làm việc nhưng trong quyết định kháng nghị lại nói: "Không có lời khai ban đầu của anh Lê Phụng Hiếu, không cho anh Thường nhận dạng...", tức là có dấu hiệu đã rút tài liệu khỏi hồ sơ vụ án.

Tôi cũng cung cấp thêm một số thông tin về ánh đèn trên lầu 1 của Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án, tình tiết con dao được phát hiện tại bưu điện sau đó một ngày...

Sau đó, chủ tọa nói rằng phần trình bày của LS đã được hội đồng ghi nhận. Do vậy, kể từ lúc này phiên tòa không cần LS có mặt và tham dự nữa, vì tôi không phải là LS trực tiếp tham gia bào chữa trong các phiên tòa trước đây. Phần tiếp theo sẽ có tính chất nội bộ.

Sau đó, chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ. Lúc này, có một số người cũng khá bất ngờ nên có hỏi: "Anh Phong phải tiếp tục dự chứ?". Tôi có viết một lá đơn đề nghị xin được tiếp tục tham dự, vì tôi thấy mình nắm nhiều thông tin và có thể cung cấp, trình bày, tranh luận. Tôi nộp đơn cho thư ký tòa, đề nghị gửi ngay cho chủ tọa.

Sau đó, tôi có qua trao đổi và đưa ba lá đơn cùng chứng cứ mới cho đại diện VKSND Tối cao và một người có nói là tí nữa kiểm sát viên sẽ đề nghị LS Phong tiếp tục tham dự phiên tòa.

Ngay sau khi phiên tòa tiếp tục, chủ tọa nói có nhận được đơn đề nghị của LS tiếp tục tham dự, tuy nhiên hội đồng giám đốc thẩm đã hội ý và thống nhất không cần thiết có mặt LS nữa. Chủ tọa cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn sẽ làm việc với tôi sau đó để ghi nhận ý kiến, chứng cứ do tôi trình gửi cho tòa và biên bản sẽ gửi cho hội đồng tại phiên tòa này.

Sau đó, gần cuối buổi, tôi có làm việc với bộ phận chuyên môn, cung cấp một số tài liệu, chứng cứ, thông tin (gồm ba lá đơn, bộ ảnh hiện trường, các thông tin khác...).

Về sự vắng mặt của 2 luật sư

Một ý tôi muốn nói thêm, chủ tọa có nói về sự vắng mặt của hai LS Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Văn Đạt (là hai LS đã bào chữa cho Hồ Duy Hải tại phiên tòa phúc thẩm) là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, theo tôi được biết thì LS Đạt đã định cư ở nước ngoài, còn LS Hòa thì tôi nghĩ nếu được mời chắc chắn anh sẽ tham dự hoặc có đơn xin vắng vì đây là trách nhiệm quan trọng. Có thể việc gửi giấy mời có gì trục trặc chăng?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm