Phạt 2 người nước ngoài cưới vợ ở Vĩnh Long là sai

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 13-5 UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Yang Minghui và ông Lu Quan Cheng (cùng quốc tịch Trung Quốc) mỗi người 20 triệu đồng. Lý do là họ nhập cảnh vào Việt Nam (VN) bằng thị thực du lịch ký hiệu “DL” nhưng đã tổ chức đám cưới với hai phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Long khi chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định.

Căn cứ xử phạt sai

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND tỉnh Vĩnh Long đã căn cứ vào điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định 167-2013 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình) để xử phạt. Cụ thể hai ông này đã có hành vi vi phạm: Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác tại VN mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của VN.

Theo TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Luật TP.HCM), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN 2014 quy định thị thực “DL” là một trong 20 loại thị thực cấp cho người nước ngoài khi nhập cảnh VN. Thị thực “DL” cấp cho người vào VN với mục đích đi du lịch và có thời hạn không quá ba tháng.

Khác với các loại thị thực có ký hiệu “DH” (cấp cho người vào thực tập, học tập tại VN), “HN” (cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo tại VN), “ĐT” (cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại VN và luật sư nước ngoài hành nghề tại VN)... thị thực ký hiệu “DL” không liên quan đến mục đích nghề nghiệp của việc nhập cảnh VN. Vì vậy, người được cấp thị thực “DL” không được thực hiện các hoạt động nghề nghiệp. Họ có quyền tự do thực hiện các hành vi như đi tham quan, mua sắm, thăm bạn bè, chữa bệnh, thậm chí là hẹn hò, đi xem phim với người yêu là công dân VN.

Theo TS Minh, hai người bị phạt nhập cảnh VN bằng thị thực “DL” và không hành nghề tại VN nên UBND tỉnh không thể căn cứ vào điều khoản nêu trên cho rằng họ vi phạm quy định người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề tại VN mà không được phép. Tức là UBND tỉnh xử phạt họ về hành vi “có các hoạt động khác tại VN mà không được phép” là sai. Trong vụ này, hoạt động khác mà hai người đàn ông thực hiện được xem là tự ý làm lễ cưới với hai phụ nữ ở Vĩnh Long mà chưa đăng ký kết hôn theo quy định.

“Nếu người được cấp thị thực “DH” mà tiến hành hoạt động hướng dẫn viên du lịch, người được cấp thị thực “HN” mà tiến hành hoạt động môi giới hôn nhân cho người nước ngoài thì mới bị xử phạt về hành vi nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác tại VN mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của VN” - TS Minh ví dụ.

TS Minh cho rằng quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Vĩnh Long nói trên là không đúng luật và cần được hủy bỏ. Căn cứ hủy bỏ là Điều 6b Nghị định 81/2013 của Chính phủ (biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017 của Chính phủ).

N., một trong hai cô dâu ở Vĩnh Long. Ảnh: H.DƯƠNG

Phân biệt “cho phép” và “công nhận”

ThS Nguyễn Nhật Khanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng kết hôn là một quyền của con người (kể cả người nước ngoài) mà không cần sự cho phép của bất cứ cơ quan nhà nước nào và được Luật Hôn nhân và Gia đình thừa nhận. Hai người đàn ông nói trên và hai phụ nữ ở Vĩnh Long nếu yêu thương, tự nguyện đăng ký kết hôn thì cơ quan nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận kết hôn để họ trở thành vợ chồng. Nếu họ không đăng ký kết hôn thì Nhà nước không công nhận họ là vợ chồng. Việc đăng ký kết hôn là để Nhà nước công nhận họ là vợ chồng chứ không có nghĩa Nhà nước cho phép thì họ mới trở thành vợ chồng của nhau.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc đăng ký kết hôn (kể cả có yếu tố nước ngoài) tại cơ quan có thẩm quyền không phải là việc xin phép cơ quan nhà nước. Nếu kết hôn mà không đăng ký theo quy định thì việc kết hôn không có giá trị pháp lý nên không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng chứ không phải là vi phạm pháp luật. Vì vậy hành vi tổ chức đám cưới khi chưa đăng ký kết hôn (có thể xem là hôn nhân thực tế) không phải là hoạt động bị pháp luật cấm.

ThS Khanh cho rằng vì việc xử phạt sai nên nếu hai người đàn ông bị phạt đã nộp tiền phạt thì cơ quan có thẩm quyền phải hoàn trả tiền cho họ. Cạnh đó, họ có thể thực hiện việc khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt của UBND tỉnh Vĩnh Long.

Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Đoàn Luật sư TP.HCM, bổ sung Điều 24 Nghị định 126/2014 quy định về lễ đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Theo đó, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày chủ tịch UBND cấp tỉnh ký giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp tổ chức lễ đăng ký kết hôn tại trụ sở. Như vậy, việc làm lễ cưới khác với lễ đăng ký kết hôn, họ có quyền tổ chức lễ cưới trước hoặc sau khi có giấy chứng nhận kết hôn (lễ đăng ký kết hôn).

Trần tình của người trong cuộc

Ngày 15-5, ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, xác nhận hai trường hợp bị xử phạt nêu trên thuộc địa phương này. Theo đó, hơn một tuần trước hai cô gái tên N. (22 tuổi) và C. (25 tuổi) có đến UBND xã Mỹ Lộc xin xác nhận tình trạng độc thân nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn mà đã tự tổ chức lễ cưới với hai người Trung Quốc. Sau khi ngành chức năng phát hiện thì đã lập biên bản và UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính.

Tìm đến nhà, bà P. (61 tuổi, bà ngoại N.) chia sẻ do nhà nghèo nên N. chấp nhận lấy chồng ngoại để mong thay đổi cuộc sống. Qua mai mối N. và một người Trung Quốc quen nhau, nếu đồng ý làm lễ cưới thì gia đình N. sẽ được nhận 80 triệu đồng. Sau khi đám cưới không thành, gia đình lo lắng, N. cũng rất buồn. Bà T. kể N. vốn bất hạnh từ bé, khi mới lên hai tuổi, cha N. bỏ đi, bà phải gồng gánh làm thuê làm mướn nuôi N. Do quá nghèo, N. chỉ học đến lớp 7 rồi phải nghỉ, đi làm công nhân rồi nhân viên phục vụ quán ăn. Tiền kiếm được N. đều gửi hết về cho gia đình trang trải cuộc sống nhưng vẫn không thoát được nghèo.

Mắt nhìn xa xăm N. cho biết người cùng cảnh ngộ với mình là C. cũng được mai mối lấy chồng Trung Quốc. “Hiện C. đã được làm thủ tục xuất cảnh và nghe nói chị ấy đã lên TP.HCM chuẩn bị bay. Còn em cũng được họ làm sẵn hộ chiếu theo hình thức du lịch và ngày 20-5 tới, em cũng sẽ đi” - N. nói. Theo N., chồng tương lai của cô làm nghề thợ hàn, nhà có hai anh em. N. kể tiếp: “Phía mai mối còn hứa khi sang bên đó, cứ ba tháng em sẽ trở về Việt Nam một lần nên em có niềm tin. Còn việc tổ chức lễ cưới trái luật thì em không biết, bởi họ hứa sẽ lo mọi thủ tục, giấy tờ”...

HẢI DƯƠNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm