Ngày 27-11, ThS-BS Phạm Thanh Trúc, khoa Ngoại Tổng hợp BV quận 2, TP.HCM, cho biết BV vừa phát hiện và cắt bỏ một quả thận và một phần bàng quang cho bệnh nhân LVC (sinh năm 1957, ngụ quận 9, TP.HCM) do bị ung thư niệu quản.
Trước đó, ông C. đến BV theo lịch hẹn để thực hiện ca mổ cột sống do thoát vị đĩa đệm. Tại đây, kết quả siêu âm thận cho thấy bệnh nhân có tình trạng thận ứ nước. Qua các kết quả chụp CT và sinh thiết, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị ung thư niệu quản, cần phẫu thuật.
Người đàn ông hồi phục tốt sau ca phẫu thuật. Ảnh: YN
Ca phẫu thuật diễn ra trong gần năm giờ đồng hồ, khối bướu sùi với kích thước khá lớn (khoảng 3 cm) gây hẹp gần hoàn toàn đoạn cuối niệu quản, giãn lớn thận trái. Ê kíp phẫu thuật đã cắt bỏ hoàn toàn quả thận trái, niệu quản trái, một phần bàng quang của bệnh nhân C. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng thận tốt, tỉnh táo và đã ăn uống, đi lại bình thường.
BS Trúc cho biết đây là ca ung thư niệu quản mà phải cắt bỏ thận, niệu quản và một phần bàng quang đầu tiên mà BV Quận 2 tiếp nhận và phẫu thuật. Ung thư niệu quản là một loại ung thư hiếm gặp ở đường tiết niệu, nguy hiểm, di căn rất nhanh đến hạch, gan, phổi…
“Bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh đi kèm như tăng huyết áp, hở van hai lá, cuộc mổ kéo dài, gây khó khăn cho êkíp gây mê. Thường những BV tuyến quận, thậm chí tuyến tỉnh đôi khi có thể bỏ qua việc tầm soát phát hiện các bệnh lý mà ít có biểu hiện lâm sàng rõ rệt như việc tìm nguyên nhân gây ra tình trạng thận ứ nước ở đây nguyên nhân có thể do sỏi, u hoặc chít hẹp … Đặc biệt nếu các BV không đủ máy móc để nội soi niệu quản, BS chủ quan khi nhìn thấy kết quả sinh thiết lần đầu tiên thì sẽ rất dễ bỏ sót ung thư, dẫn đến việc phát hiện bệnh trễ. Lúc đó ung thư đã di căn rộng, khả năng điều trị sẽ vô cùng khó” - BS Trúc đánh giá.
BS Trúc khuyến cáo bệnh nhân ung thư niệu quản thường sẽ xuất hiện những dấu hiệu ban đầu như đau âm ỉ vùng lưng, tiểu máu nhiều đợt… Khi đó bệnh nhân cần đến BV để thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.