Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định phê duyệt hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
2 dự án hơn 28.520 tỉ đồng
Cả hai dự án thành phần này có tổng chiều dài tuyến gần 111km, được Bộ GTVT giao do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của hai dự án hơn 28.520 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư hơn 3.940 tỉ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 19.550 tỉ đồng.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 63km, chiếm gần 60% toàn tuyến với bốn nút giao. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo quyết định phê duyệt, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng chiều dài tuyến hơn 37,6km. Điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ), điểm cuối giao với Quốc lộ 1 (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ), với tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỉ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài tuyến hơn 73,2 km. Điểm đầu kết nối vào điểm cuối dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), điểm cuối giao với đường hành lang ven biển phía Nam (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỉ đồng.
Toàn cao tốc có 128 công trình cầu (92 cầu trên cao tốc), chín nút giao, gồm tám nút giao liên thông và một nút giao đồng cấp.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là công trình giao thông đường bộ cấp I, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Điểm đầu cao tốc giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - Quốc lộ 1 (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ), điểm cuối giao với đường hành lang ven biển phía Nam (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Vận tốc thiết kế 100km/giờ, riêng tuyến nối theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Theo dự kiến, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành đưa vào khai thác góp phần đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.
Giao cho tư nhân sẽ bị xử lý
| |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương đến khảo sát thực địa nút giao IC4, một trong chín nút giao thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH |
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát thực địa nút giao IC4 (thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau).
Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT xem xét, thu hẹp khoảng cách giữa các nút giao nhằm tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch, phát triển khu đô thị, khu công nghiệp…Thủ tướng yêu cầu đơn vị thực hiện dự án đẩy nhanh tiến độ, sớm trình cơ quan chuyên môn thẩm định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đường cao tốc thì phải có đường gom, đường tránh và vận tốc đảm bảo ít nhất là 100 km. Đối với khó khăn về thiếu cát phục vụ thi công, Thủ tướng cho hay đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Nghị quyết của Chính phủ đã xác định giao trực tiếp cho nhà thầu, chủ đầu tư, không giao qua một đơn vị khác. Dứt khoát là phải nghiêm cấm việc này, các tỉnh mà làm là xử lý ngay. Tỉnh nào giao cho tư nhân rồi để xảy ra tình trạng nâng giá, đội giá là không được. Tinh thần là giao thẳng cho nhà đầu tư, cho nhà thầu. Dự án đi qua tỉnh nào thì tỉnh đó phải chịu trách nhiệm” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.