Phiên tòa không bị cáo

Cuối tháng 8 vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã phải hoãn xử phúc thẩm bị cáo Khúc Văn Toản (nguyên trung tá, điều tra viên Công an quận Kiến An, Hải Phòng) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì bị cáo vắng mặt không lý do.

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm, bị cáo Toản cũng vắng mặt (có lý do) và TAND TP Hải Phòng vẫn tiến hành xét xử, tuyên phạt Toản ba năm tù.

Vòi tiền doanh nghiệp, tha bổng người phạm tội

Theo cáo trạng, tháng 1-2009, sau khi nhận đơn của Công ty Thương mại Dịch vụ Thành Công tố cáo Đoàn Văn Thành (trú huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) thuê xe ô tô không trả, bị cáo Toản (khi ấy là điều tra viên của Công an quận Kiến An) đã yêu cầu Công ty Thành Công ứng 40 triệu đồng để “phục vụ công tác truy tìm xe” (có biên bản nhận tiền). Tuy nhiên, sau đó Toản không thu hồi xe trả cho Công ty Thành Công. Đến tháng 1-2011, Công an TP Hải Phòng nhận được đơn tố cáo của Công ty Thành Công, vào cuộc xác minh, thu hồi xe cho doanh nghiệp này. Đến lúc này, Toản mới mang 40 triệu đồng trả cho công ty.

Phiên tòa không bị cáo ảnh 1

Trong năm 2009, Toản cũng được giao thụ lý các vụ thượng úy Đỗ Văn Lực (cán bộ Công an phường Lãm Hà, quận Kiến An), Nguyễn Ngọc Hà (cán bộ phòng Viễn thông, Công an TP Hải Phòng) và Phạm Duy Linh (cán bộ Công an quận Đồ Sơn) thuê bốn xe ô tô của Công ty Thành Công rồi mang đi cầm. Bị cáo Toản đã thu hồi xe mang trả cho doanh nghiệp nhưng sau đó ém nhẹm vụ việc, không đề xuất xử lý ba cán bộ công an này. Cuối năm 2011, khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc thì các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đỗ Văn Lực, Nguyễn Ngọc Hà và Phạm Duy Linh mới bị khởi tố.

Các vụ lừa đảo này đã không được thể hiện trong các sổ tiếp nhận tố giác, thụ lý án, đăng ký lệnh, quyết định của Công an quận Kiến An. Ông Toản khai lý do không đề xuất xử lý là do nhận thức pháp luật thấy chưa đủ căn cứ xử lý. Tuy nhiên, cũng với vụ việc tương tự, cùng thời gian này, Toản lại đề xuất khởi tố, bắt tạm giam Vũ Đức Anh (quận Kiến An) khi anh này thuê xe của Công ty Thành Công không trả.

Chỉ có HĐXX và kiểm sát viên “xử với nhau”

Ngày 28-3-2013, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Khúc Văn Toản. Tuy nhiên, do bị cáo Toản (bị cáo duy nhất của vụ án) bị bệnh và có đơn xin xử vắng mặt và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công ty Thành Công) cũng vắng mặt nên phiên tòa hôm ấy chỉ có HĐXX (ba người), kiểm sát viên và thư ký phiên tòa.

Do vắng mặt bị cáo nên phiên tòa bỏ qua một số thủ tục thông thường. Chẳng hạn ở phần thủ tục, tòa không phải qua bước thẩm tra lý lịch bị cáo. Ở phần xét hỏi, do không có bị cáo nên cũng không tiến hành xét hỏi. Tất nhiên ở phần tranh luận, do không có cả luật sư nên công tố viên cũng không phải tranh luận gì.

Cho nên sau khi HĐXX công bố các tài liệu, chứng cứ vụ án, đại diện VKS trình bày quan điểm luận tội, giữ nguyên nội dung cáo trạng truy tố, HĐXX nghị án và tuyên án. Bị cáo Toản bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn theo khoản 2 Điều 281 BLHS với hai tình tiết định khung là phạm tội nhiều lần và gây hậu quả nghiêm trọng (khung hình phạt 5-10 năm). Đại diện VKS nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị tòa xử phạt bị cáo 3-4 năm tù (dưới khung hình phạt).

Tuyên án, tòa cho rằng bị cáo nhận thức, rõ hành vi vi phạm pháp luật khi nhận 40 triệu đồng của doanh nghiệp và không đề xuất xử lý người vi phạm; tính chất vụ án rất nghiêm trọng, hành vi của bị cáo không những xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước mà còn làm giảm uy tín của lực lượng công an, gây mất lòng tin của người dân nên cần phải xử nghiêm. Tuy nhiên, tòa cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, được tặng nhiều huy chương, huy hiệu… nên xử phạt bị cáo ba năm tù.

“Xử vành móng ngựa” mà đúng luật thì vẫn xử

Bị cáo Khúc Văn Toản bị bệnh tim, có bệnh án, có xác nhận của bệnh viện. Tòa đã hai lần mở phiên xử nhưng bị cáo vắng mặt nên phải hoãn, đến lần thứ ba thì bị cáo có đơn xin xử vắng mặt. Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 187 BLTTHS, HĐXX đã xử vắng mặt.

Việc xét xử mà vắng mặt bị cáo cũng là chuyện bình thường, không ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Phiên tòa xử công khai, dưới hội trường có người tham dự hay không, hay chỉ có HĐXX “xử vành móng ngựa” vẫn cứ phải xử chứ. Mọi chứng cứ vẫn được thẩm tra, xem xét công khai tại tòa theo đúng trình tự luật định. Cụ thể, đại diện VKS công bố cáo trạng, sang phần xét hỏi, do bị cáo không có mặt nên HĐXX công bố lời khai của bị cáo và tất cả tài liệu tố tụng có trong hồ sơ vụ án. Cuối cùng, đại diện VKS kết luận, HĐXX vào nghị án. Như vậy phiên tòa vẫn đảm bảo khách quan.

Thẩm phán NGUYỄN VĂN THIỆM, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm

Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

(Trích khoản 2 Điều 187 BLTTHS)

KIM LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm