Phim truyền hình: Giờ vàng chỉ thấy... vàng non

Vừa quay vừa viết kịch bản

Kinh phí thấp, thời gian quay phim gấp gáp chỉ là hai trong số vô vàn lý do khiến cho chất lượng đa phần các phim truyền hình gần đây đi xuống.

Phim truyền hình hiện nay đang thừa số lượng, thiếu chất lượng.
Phim truyền hình hiện nay đang thừa số lượng, thiếu chất lượng.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bộ phim "nhạt như nước ốc", bị dư luận kêu nhiều trong thời gian qua là do sức ép từ các nhà sản xuất và đầu ra của mỗi bộ phim. Họ làm phim không phải vì chất lượng, mà cốt chạy theo số lượng.

Không có chuyện vì một tập phim chưa đạt mà có thể quay đi quay lại trong cả tuần như trước, bây giờ có những bộ phim cứ hai ngày là phải quay xong một tập cho đúng tiến độ.

Rất nhiều đạo diễn hiện nay nhận lời làm thuê cho các công ty quảng cáo, truyền thông đang đổ xô đi làm phim truyền hình. Chất lượng ra sao không biết, phim cứ làm xong là đảm bảo có đầu ra.

"Nhiều nghệ sĩ vì mưu sinh nên buộc phải nhận những bộ phim kém chất lượng mà đánh mất mình khi nào không biết. Nghệ sĩ có giỏi cỡ nào, có danh hiệu nào đi chăng nữa rồi cũng phải nhận lời tham gia một bộ phim nào đó, dù mình không thích bởi họ cần xuất hiện trước công chúng. Thời gian qua tôi thấy nhiều phim truyền hình xem buồn cười quá.

Tôi cũng đã từ chối khá nhiều vai diễn, chỉ vai nào thấy hay mới nhận. Tôi thấy bây giờ họ làm phim giống như nhân bản vô tính, vừa làm vừa viết kịch bản. Mới đây tôi tham gia một bộ phim truyền hình dài 35 tập nhưng mới đóng đến tập 13 vì kịch bản tập tiếp theo còn đang chờ viết", diễn viên Mỹ Uyên, một gương mặt ăn khách trên màn ảnh truyền hình phía Nam chia sẻ.

Phim giờ vàng toàn... vàng non!

Khó mà tính được có bao nhiêu công ty đang hoạt động trong lĩnh vực làm phim truyền hình bởi hãng phim thì ít, công ty quảng cáo truyền thông làm phim thì nhiều.

Ngừng sản xuất Những người độc thân vui vẻ vì cảm thấy chất lượng đi xuống.
Ngừng sản xuất Những người độc thân vui vẻ vì cảm thấy chất lượng đi xuống.

Phim truyền hình sản xuất ra đang tăng mạnh về số lượng, tỉ lệ phim VN trên sóng truyền hình cũng đã đạt mức 30% nhưng cùng với sự tăng về số lượng là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các bộ phim kém chất lượng, hoặc chất lượng ngày càng đi xuống.

Trái ngược với những bộ phim có tỉ lệ người xem cao và thắng đậm về quảng cáo như Bỗng dưng muốn khóc hay Cô gái xấu xí, Lập trình trái tim... là những bộ phim thiếu hấp dẫn người xem hoặc chất lượng ngày càng đi xuống mà đơn cử là Những người độc thân vui vẻ. Chính nhà sản xuất và ê kíp thực hiện bộ phim đã quyết định ngừng sản xuất bộ phim sitcom này ở tập 170 thay vì 250 như dự tính ban đầu.

Bản thân những người làm nghề cũng phải lên tiếng. "Tôi thấy phim truyền hình Việt Nam phát sóng giờ vàng bây giờ chỉ là vàng 14K (58,3% vàng). Những người có nghề thực sự đa phần đứng ngoài cuộc, mảng sản xuất phim truyền hình hiện nay chủ yếu do các công ty quảng cáo nhảy vào làm nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của phim", nhà sản xuất Phước Sang nói.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nhà làm phim "chuyên trị" mảng đề tài nông thôn với những bộ phim gai góc như Đất và Người, Ma Làng, Gió làng Kình... cũng có cách lý giải riêng: "Thế hệ làm phim của tôi giờ đã đến tuổi về hưu. Còn những đạo diễn trẻ bây giờ thì ngại động chạm, đa phần thiếu hiểu biết về nhiều vấn đề xã hội nên chọn những đề tài dễ làm. Họ lại quá bận rộn với các dự án phim ngày càng nhiều sức ép về tiến độ nên không còn thời gian để đọc, để cập nhật thông tin và cũng không còn thời gian đi thực tế cuộc sống nữa".

Phim hay - phim dở đều "cá mè một lứa"

Nguyên nhân quan trọng nhất được cho là quyết định đến chất lượng phim truyền hình hiện nay là do không có cơ chế nào để kích thích làm phim tốt, phim hay.

"Bỗng dưng muốn khóc" là một trong số ít các bộ phim truyền hình gần đây chiếm được cảm tình của người xem.
"Bỗng dưng muốn khóc" là một trong số ít các bộ phim truyền hình gần đây chiếm được cảm tình của người xem.

Hầu hết những người làm phim cho rằng phải có cơ chế mở hơn, tức là phim hay, nhiều quảng cáo nhà sản xuất sẽ được chia phần trăm để khuyến khích chứ không thể xếp một bộ phim dở, ít quảng cáo ngang hàng với một bộ phim chất lượng, được đầu tư công phu và ăn quảng cáo.

"Tôi thấy phim đầu tư ít hay nhiều, hay hay dở đều cá mè một lứa, tất cả đều được nhận từ 200-220 triệu/tập phim trích từ doanh số quảng cáo. Bây giờ chúng ta quay lại đúng thời phim mì ăn liền, phim có hay cỡ nào, dở đến đâu cũng chiếu đúng 7 ngày là nhường chỗ cho phim khác.

Cứ thế này thì chất lượng phim truyền hình ở VN ngày càng đi xuống nữa. Nhà làm phim sẽ không ai dám đầu tư làm phim mạo hiểm. Họ sẽ chỉ sản xuất phim với kinh phí thấp hơn số tiền được nhận lại từ đài vì có cố gắng cũng không được thêm. Tóm lại là không có cái gì để kích thích người ta làm phim tốt, ngoại trừ danh tiếng của bản thân", nhà sản xuất Phước Sang nói.

Với đa phần các đạo diễn đang "làm công ăn lương" trong các đơn vị sản xuất phim nhà nước trong đó có Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài THVN (VFC) thì không có cơ chế khuyến khích người làm phim hay hay phim dở.

Người làm phim hay không được thêm quyền lợi gì, người làm dở không bị phạt, tất cả đều "bình quân chủ nghĩa". Tức là nếu như "Ma Làng" có thu về 800 triệu đồng tiền quảng cáo cho mỗi tập phát sóng (tức là doanh thu gấp 10 lần số tiền đầu tư) thì đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn chỉ được nhận 2,4 triệu đồng tiền thù lao đạo diễn, không hơn.

"Hiện tại các kịch bản được duyệt hiện nay chỉ cần đúng, chỉ cần lobby một tí là qua, mà kịch bản được duyệt chưa hẳn đã là kịch bản hay. Ở VN người làm phim dở sướng hơn người làm phim hay. Những người làm phim tử tế bây giờ chủ yếu vẫn làm bằng danh dự cá nhân là chính.

Tôi nghĩ nên lấy tiêu chí phim có nhiều quảng cáo như một cơ chế khuyến khích những người làm phim. Ví dụ như họ sẽ được hưởng 2% từ doanh thu quảng cáo của phim chẳng hạn. Việc làm này các đài truyền hình có thể quyết định. Nếu có cơ chế khuyến khích thì anh em sẵn sàng làm phim hay, thậm chí có thể góp tiền làm phim", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.

Theo Bích Hạnh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm