Chiều 6-4, sau khi Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng (với tỉ lệ tán thành là 93,52%), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình danh sách đề cử để QH bầu Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã được đề cử để QH bầu vào vị trí tân Thủ tướng Chính phủ.
“Luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”
Nhận xét về quá trình công tác của ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc tờ trình danh sách đề cử QH bầu Thủ tướng Chính phủ, QH đã tiến hành thảo luận tại các đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.
Bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc có vài nhận định với báo giới về ứng viên cho vị trí tân Thủ tướng Chính phủ. Vị phó chủ tịch ủy ban này nói: “Thời là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, anh Nguyễn Xuân Phúc cũng là đại biểu QH - ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách. Tôi lúc ấy là vụ trưởng Vụ Ngân sách, tham mưu cho ủy ban. Làm việc với anh ấy, cảm nhận anh là người giản dị, chân thành, quyết liệt và hiệu quả. Ở địa phương, anh Nguyễn Xuân Phúc là người quyết liệt, xông xáo. Đó là thời mà Quảng Nam xuất hiện Khu công nghiệp Chu Lai, là giai đoạn phát triển mạnh của Hội An, của du lịch biển miền Trung. Nó thể hiện sự đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế du lịch”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo đốc thúc tiến độ xây dựng cầu Ghềnh mới tại Đồng Nai. ẢNH: TTXVN
. Phóng viên: Còn sau này, khi ông Nguyễn Xuân Phúc làm chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi phó thủ tướng?
+ Ông Nguyễn Văn Phúc: Nhiều người chia sẻ một đánh giá là anh Nguyễn Xuân Phúc có khả năng quy tụ. Anh xử lý được mối quan hệ giữa Đảng với Chính phủ, Chính phủ với QH. Họp Ủy ban Thường vụ QH mà luôn có mặt chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ như anh Phúc là hiếm, trước đó thường có cấp phó, chuyên viên thôi.
Thời ở Văn phòng Chính phủ, anh Phúc ghi dấu ấn qua Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. Sau này lên phó thủ tướng, được phân công phụ trách mảng nội chính, rồi an toàn giao thông, chống buôn lậu, phòng chống tội phạm... thì cũng tạo ra sự chuyển động, nhất là trong lĩnh vực an toàn giao thông.
“Nhiều lần nhấn mạnh đột phá thể chế”
. Nhưng có vẻ những mảng công tác đó nặng tính sự vụ, trong khi công việc của Chính phủ thì rộng lớn, vĩ mô hơn nhiều?
+ Không hẳn. An toàn giao thông là việc lớn chứ. Người nước ngoài đến Việt Nam sợ cái đó lắm.
Đánh giá, nhìn nhận bộ máy nhà nước thì không chỉ bằng một con người cụ thể. Các chuyên gia, các đại biểu QH đều có những quan sát, thấy rõ đang có sự chuyển động về tư duy. Khác xưa lắm. Mấy năm trước, nói “Nhà nước kiến tạo, Chính phủ kiến tạo” nghe còn xa lạ lắm nhưng giờ thì ai cũng thống nhất điều đó.
Anh Nguyễn Xuân Phúc cũng nằm trong sự chuyển động ấy. Anh nhiều lần nhấn mạnh là cần đột phá thể chế. Thấy rõ những yếu kém của ta có nguồn gốc từ thể chế.
Những năm vừa rồi, anh Nguyễn Xuân Phúc, chị Nguyễn Thị Kim Ngân - tân Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo khác đều tích cực tham dự các chương trình trao đổi quốc tế về thể chế và phát triển, kể cả tới trường đại học danh tiếng Harvard, Mỹ. Bây giờ các anh chị được tín nhiệm, đứng đầu các nhánh quyền lực nhà nước thì hình thành thế hệ lãnh đạo mới, được tiếp cận chuẩn mực, tri thức quốc tế và dùng nó để giải quyết các vấn đề của đất nước. Vậy thì có thể gửi gắm niềm tin là đất nước sẽ tiếp tục có chuyển động tích cực.
. Ông đặt nhiều hy vọng vào thế hệ lãnh đạo mới?
+ Các thành viên Chính phủ bây giờ có một sự chuyển động rất mạnh trong tư duy quản lý. Gương mặt của Chính phủ, của QH sau đợt kiện toàn nhân sự này đều là các nhà kỹ trị. Họ đều có nền tảng học hành, có học hàm, học vị. Như anh Nguyễn Xuân Phúc, đều được đào tạo bài bản về kinh tế, có gốc kinh tế học. Nền tảng ấy tạo ra con người biết lắng nghe.
Sáng nay (7-4), dự kiến QH sẽ tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cũng như Chủ tịch nước và Chủ tịch QH trước đó, sau khi kết quả bầu Thủ tướng Chính phủ được công bố, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ. Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20-7-1954, quê quán Quảng Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII và là đại biểu QH các khóa XI, XIII. Ông từng giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, ông được QH phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ. |