Con hẻm 419/14, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh chỉ dài khoảng vài trăm mét nhưng có nhiều công trình xây dựng không phép từ nhiều năm nay mà không bị xử lý. Điều đáng ngạc nhiên trong số đó có công trình của ông Lê Hữu Thành, hiện là phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức và nhiều người thân gia đình của ông.
Năm căn nhà xưởng của gia đình ông Lê Hữu Thành chiếm gần nửa con hẻm 419/14, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: VH
Nhiều công trình xây “lụi” trong một hẻm
Theo hồ sơ của UBND phường Hiệp Bình Chánh, hiện có chín công trình xây dựng không phép ở nhiều thời điểm khác nhau, tập trung chủ yếu từ năm 2015 đến nay. Trong đó, nhiều công trình đã được UBND phường Hiệp Bình Chánh lập hồ sơ, có biên bản đình chỉ thi công, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, đến nay các công trình này vẫn không hề hấn gì.
Từ đầu hẻm 419/14 đi vào chưa tới 100 m có thể dễ dàng nhìn thấy một dãy năm căn nhà xưởng đang hoạt động. Theo hồ sơ của UBND phường Hiệp Bình Chánh, cả năm công trình này đều xây “lụi” và một trong số đó là của ông Lê Hữu Thành. Các công trình còn lại là của các anh chị em trong gia đình là bà Lê Thị Ngọc Phụng, Lê Thị Ngọc Tuyết, Lê Thị Kim Linh và ông Lê Ngọc Dương. Ngày 16-10, phóng viên có mặt tại hiện trường và ghi nhận các công trình nhà xưởng hiện nay đang hoạt động bình thường.
Liên quan đến khu đất của gia đình ông Thành, theo báo cáo của phường Hiệp Bình Chánh, năm công trình nhà xưởng nêu trên nằm trong khu đất có diện tích 5.789 m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Lê Ngọc Lớn (cha ruột của ông Lê Hữu Thành). Vị trí của khu đất thuộc quy hoạch đất ga dự trữ theo Quyết định số 4940/2013 của UBND TP.HCM.
Theo tài liệu phóng viên có được, trong số chín công trình nêu trên, trừ trường hợp khu nhà xưởng của ông Thành (khoảng 470 m2), bà Tuyết (120 m2) là chưa được lập hồ sơ xử lý, bảy công trình còn lại đã có hồ sơ nhưng chưa tiến hành cưỡng chế.
Ông Lê Hữu Thành thừa nhận sai, xin tự tháo dỡ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 16-10, ông Thành thừa nhận là có xây dựng công trình không phép như đã nêu trên. Ông Thành cho hay ông và các anh em trong gia đình được cha mẹ chia cho mỗi người một phần đất trong tổng diện tích gần 6.000 m2.
Khu nhà xưởng gia đình ông Thành
Theo ông Thành, công trình của ông trước đây vốn là chuồng nuôi heo, sau đó do bị ô nhiễm nên ông cải tạo thành nhà xưởng để cho thuê làm bao bì. “Do khu đất nằm trong quy hoạch ga dự trữ nên gần như không thể làm gì, đất đai để hoang tàn quá nên tận dụng trong thời gian Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch. Tôi có cam kết là sẽ tự tháo dỡ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch mà không đòi hỏi gì” - ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết ông đã từng có đơn gửi UBND quận Thủ Đức và phường Hiệp Bình Chánh xin được tồn tại công trình cho đến khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay ông chưa nhận được phản hồi của các cơ quan này. “Tôi cũng biết là việc xây dựng mà không xin phép là trái với quy định pháp luật. Sai là rõ ràng rồi. Vì vậy, tôi xin chấp hành tự tháo dỡ công trình trong thời gian tới” - ông Thành cho hay.
“Không ưu ái”, sao bỏ ngoài kết luận thanh tra?
Phóng viên đặt vấn đề nhiều người dân trong khu vực xây dựng không phép bị cưỡng chế, riêng gia đình ông Thành thì không bị gì, như vậy liệu có sự bao che, nể nang hoặc ưu ái của lực lượng thi hành công vụ. Ông Thành khẳng định: “Không có chuyện ưu ái hay bao che cho công trình của tôi”.
Được biết ngày 20-2-2019, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh đã ký quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hiện chống lãng phí tại UBND phường Hiệp Bình Chánh. Một trong những nội dung được thanh tra là về lĩnh vực trật tự xây dựng.
Đáng lưu ý, trong quyết định này, chủ tịch quận Thủ Đức giao ông Lê Ngọc Quí (em ruột của ông Lê Hữu Thành), Chánh Thanh tra quận (nay là trưởng Phòng Tư pháp), giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Trong đó, ông Quí có nhiệm vụ báo cáo với chủ tịch quận về kết quả giám sát và kiến nghị các giải pháp khắc phục, đồng thời chịu trách nhiệm về tính trung thực của báo cáo.
Trong Kết luận thanh tra số 534 ngày 3-6-2019, các công trình xây dựng không phép mà chúng tôi nêu trên không được nhắc đến.
Các địa chỉ trách nhiệm nói gì? Trước đó Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức, liên quan đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó có trường hợp ông Thành là đảng viên, đồng thời là phó chủ tịch thường trực HĐND quận. Ông Cường cho biết ông sẽ trao đổi với ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, để xếp lịch trao đổi cụ thể. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ông Minh, ông cho biết lãnh đạo quận không thể sắp xếp thời gian trao đổi trực tiếp với phóng viên vì đang rà soát. Ông Minh cho biết quận sẽ cung cấp thông tin cho báo chí về các nội dung phóng viên đề nghị sau. “Tại sao không xử lý công trình xây dựng không phép của ông Thành và nhiều người thân trong gia đình, liệu có sự bao che, ưu ái hoặc nể nang trong quá trình xử lý? Hướng xử lý những công trình này tới đây như thế nào?”. Trả lời các câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết phường đang trong quá trình rà soát, báo cáo UBND quận Thủ Đức. Do đó, ông Tuấn đề nghị phóng viên chờ UBND quận Thủ Đức trả lời chính thức. |