Chiều 12-10, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 8 (tên quốc tế là Kompasu). Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp.
Mở đầu cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết theo thông tin gần nhất cơn bão số 8 đang di chuyển rất nhanh. Do vậy chiều 12-10, Phó thủ tướng tổ chức cuộc họp đột xuất với các địa phương dự kiến chịu tác động của bão số 8.
Theo Phó thủ tướng, bão số 7 không phải là cơn bão mạnh nhưng vẫn xảy ra những trường hợp thiệt hại như tàu đắm ở Thái Bình hay hai người chết ở Yên Bái. Phó Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, cần phải tập trung tuyên truyền, từ tỉnh ủy, thành ủy tới các quận, huyện, xã, phường, tổ dân cư.
"Khi có bão bà con đừng chủ quan. Tàu bè đã kêu gọi hết sức, cơn bão không to, vào đất liền chỉ còn áp thấp nhưng vẫn còn xảy ra rủi ro như vậy" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp bão. Ảnh: AH
Tại cuộc họp, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, cho biết bão Kompasu khi đổ bộ vào Philippines đã làm một người chết, 1.500 người phải sơ tán, 24 khu vực bị ngập lụt, nhiều vị trí đường giao thông và hàng chục cầu bị hư hại.
Đêm 11-10, bão Kompasu đã vào Biển Đông với cường độ cấp 10, 11, giật cấp 13 và trở thành cơn bão số 8. Lúc 15 giờ, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km, cách Nghệ An - Hà Tĩnh 1.180 km; di chuyển nhanh với tốc độ 25-30 km/giờ.
Dự báo bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12 đến 13-10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Dự kiến bão đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14-10.
Để ứng phó với bão, các địa phương đã lên kế hoạch sơ tán 65.425 hộ/247.997 người từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế với bão cấp 9-10 đổ bộ. Ngoài ra, đang có khoảng 26.000 người dân di chuyển từ phía nam ra bắc có thể bị ảnh hưởng do bão, mưa lũ. Số lượng các ca F0 từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế hiện có 5.712 ca F0.
Tại đầu cầu tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết theo dự báo, bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào Nghệ An, lượng mưa có thể lên tới 200-300 mm. Tuy nhiên, hiện ở Nghệ An có lượng hồ đập rất nhiều với hơn 1.000 hồ.
"Đến giờ lượng mưa bình quân lớn hơn các năm, với lượng hồ đầy nước như vậy thì rất nguy hiểm vì toàn hồ đập nhỏ, hồ xây dựng đã lâu, đã tổ chức trực 24/24 để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ" - ông Hiếu nói.
Hiện diện tích lúa hè thu ở Nghệ An đã thu hoạch xong và đang thu hoạch nốt diện tích lúa thu đông còn lại. Thủy sản còn 18.000 ha đang tập trung thu hoạch.
Theo ông Hiếu, Nghệ An có năm kịch bản sơ tán dân ven biển ứng với từng cấp độ bão, nước biển dâng. Tuy nhiên vẫn có khó khăn là có 6.500 lao động từ phía nam đổ về đang phải cách ly tập trung theo quy định. Nơi sơ tán dân đã dành cho cách ly tập trung. Tỉnh đang rà soát tìm nơi mới để làm nơi sơ tán dân.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết miền núi Nghệ An có độ dốc phức tạp, đang có 33 điểm sạt lở núi từ năm 2020. Từ chiều và đêm nay, tỉnh đang di dời, sơ tán dân cư đến nơi an toàn.