Phó thủ tướng: Sẽ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia

(PLO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết sẽ sớm ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia, là cơ sở pháp lý để 2 Đại học phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, nhiều vấn đề, vướng mắc khiến giáo dục đại học chưa phát triển đã được các đại biểu đề cập.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM

Tăng quyền tự chủ

Tại buổi làm việc, PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định riêng về hoạt động của Đại học Quốc gia.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia và Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Đại học Quốc gia. Cụ thể, Nghị định mới cần làm rõ quy định trong Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 là Đại học Quốc gia có quyền tự chủ cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng cần hết sức tập trung để ban hành Nghị định về Đại học quốc gia.

Ông kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo rốt ráo về việc này vì không có Nghị định thì không thể ban hành quyết định tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động. Hơn 2 năm nay, hai đại học quốc gia hoạt động không theo quy chế nào.

"Về đề án phát triển của hai Đại học quốc gia, trong đó có đề án phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thành đại học hàng đầu châu Á – tôi cũng rất mong mỏi vào điều đó. Nếu được Chính phủ tập trung đầu tư thì tôi tin 2 đại học quốc gia sẽ có phát triển vượt bậc trong thời gian tới" - ông Đạt nhấn mạnh.

Vướng mắc trong nghiên cứu khoa học

Tại cuộc họp, nhiều nhà khoa học cũng đã nêu rõ những khó khăn về cơ chế, thủ tục gây cản trở trong quá trình nghiên cứu.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết thủ tục giấy tờ là một trong những lực cản đối với nhà khoa học. Có những đề tài phải nộp đến 20 báo cáo khoa học trong khi không biết những báo cáo đó sẽ được sử dụng để làm gì trong khi kết quả cuối cùng mới quan trọng.

Một vấn đề khác là thủ tục tài chính, bình thường thì không sao nhưng có những thời điểm như dịch COVID-19, các thủ tục tài chính không thể thực hiện được gây ảnh hưởng đến chuyển giao công nghệ.

Bà Thảo cho biết, trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ có doanh nghiệp yêu cầu 3 tháng phải báo cáo kết quả một lần. Tuy nhiên với thủ tục đấu thầu hiện nay trong vòng 3 tháng không thể làm được gì vì thế doanh nghiệp cũng ngại.

Bà Thảo cũng nêu khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ khi theo luật viên chức, giảng viên không được thành lập doanh nghiệp.

“Nhóm của tôi đã lọt vào vòng cuối cùng của việc chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô cho đơn vị nước ngoài. Tuy nhiên chúng tôi không hề có cơ chế nào để có thể vận hành phòng lap ở đây. Giá mà giảng viên đại học, các trường đại học có thể thành lập các công ty thì sẽ giải quyết chuyển giao công nghệ không chỉ ở nước ngoài, tránh cho việc chảy máu chảy xấu” - bà Thảo nói thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Phan Bách Thắng, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử mong muốn có những chương trình nghiên cứu dài hơi 5-10 năm. Bởi hiện nay, các dự án nghiên cứu đa phần 2-4 năm, chỉ có Đại học Quốc gia kéo dài 5 năm.

“Muốn phát triển vượt bậc thì phải chấp nhận câu chuyện đôi khi nghiên cứu sẽ có những sai sót và đôi khi không có kết quả cũng là một kết quả. Điều sẽ giúp các nhà khoa học đi sau định hướng được biết được điều đó để phát triển hướng mới. Tôi mong muốn Chính phủ đầu tư hơn nữa về nguồn vốn, về cơ sở vật chất 2 đại học quốc gia” - ông Thắng nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, các thủ tục đấu thầu, quyết toán, nghiệm thu là vấn đề lớn trong công tác quản lý phát triển khoa học công nghệ hiện nay.

Bộ khoa học công nghệ đã kết hợp với 2 viện hàn lâm để báo cáo Thủ tướng chính phủ những vấn đề, vướng mắc cần tháo gỡ.

“Theo đó, chúng tôi xác định có 13 vấn đề cần giải quyết, chia theo từng nhóm vấn đề để kiến nghị với từng đơn vị cụ thể. Ông Đạt cũng cho biết đã nắm được thông tin các dự án khoa học chỉ một, hai năm đã hết thời hạn. Bộ cũng đang nghiên cứu đưa vào thông tư các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia cần thời gian dài hơi hơn.

Tập trung đào tạo nghiên cứu ngành mũi nhọn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị hai Đại học Quốc gia tập trung đào tạo và nghiên cứu các ngành mũi nhọn và ngành công nghệ cao.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng hai Đại học Quốc gia tiếp tục “xây nhà”, đặc biệt ở Đại học Quốc gia Hà Nội bởi hiện chỉ mới xây dựng được vài toà nhà. Bộ trưởng đề xuất Phó Thủ tướng báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đầu tư tập trung, dứt điểm và phù hợp với các dự án này.

Với Nghị định dành cho hai Đại học Quốc gia, Bộ trưởng cho biết nội dung dự thảo đã được chuẩn bị tương đối, đang trình để xin ý kiến các bộ, ngành.

Đại học Quốc gia phải xác định sứ mệnh, tầm nhìn

Đối với Nghị định về Đại học Quốc Gia, Bộ GD&ĐT sẽ sớm trình Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Đại học Quốc gia phải xác định được sứ mệnh và tầm nhìn của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Đại học Quốc gia phải xác định được sứ mệnh và tầm nhìn của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nghị định này phải khắc phục những tồn tại hiện nay, đó là hiện nay đang thiếu hẳn cơ sở pháp lý ban hành thế nào là Đại học Quốc gia, thế nào là tiêu chí. Nếu tiêu chí cao, hai Đại học Quốc gia phải phấn đấu mệt, còn tiêu chí thấp nếu không cẩn thận sẽ có rất nhiều đại học quốc gia.

Do vậy Nghị định về Đại học Quốc gia phải xây dựng thế nào để thực hiện đúng sứ mệnh đã đặt ra với hai Đại học Quốc gia, phải có những nhiệm vụ lớn, đủ tầm cho hai Đại học Quốc gia và phải liên các lĩnh vực khoa học, xác định các vấn đề khoa học công nghệ có tính chiến lược đối với đất nước.

Nghị định về Đại học Quốc gia phải đặt ra tầm nhìn, mong muốn của ĐH Quốc gia để bằng nguồn lực nhà nước, cơ chế chính sách, mô hình vận hành, sự tham gia xã hội hoá, đạt được mục tiêu đề ra.

Sau gần 30 năm thành lập, hai Đại học Quốc gia phải có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý, nhìn nhận về vị trí, tầm quan trọng của mình để đề xuất với nhà nước những vấn đề nhà nước cần phải đầu tư, cần phải đặt hàng. Đặc biệt phải tập trung vào những vấn đề mà các trường đại học chưa quan tâm như đầu tư có tính dài hạn, đầu tư các lĩnh vực về khoa học cơ bản, khoa học xã hội.

(Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm