Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu thanh tra, kiểm ra tất cả công trình đầu tư xây dựng, xem việc chỉ định thầu có đúng quy định của pháp luật không? Việc thực hiện đầu tư các công trình đó có thực hiện đúng quy trình không? Có việc thông thầu giữa nhà thầu, nhà tư vấn, thẩm định, thiết kế, các cán bộ của cơ quan nhà nước để tăng khống khối lượng, gây thất thoát vốn nhà nước không?...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phần chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực GTVT. Ảnh: Nhóm PV QH
Trả lời chất vấn của ĐB trong phiên chiều nay (4-6) về các dự án BOT, BT đang có nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết như trên. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tất cả vấn đề sai phạm đều được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng, việc huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là các công trình giao thông bằng hình thức BOT là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Trong năm qua, việc thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư các công trình hạ tầng đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, không ít dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế như về chất lượng đầu tư còn thấp, mức phí cao, thời gian thu phí dài, đặc biệt là vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý đã gây bức xúc trong dư luận và nhiều nơi người dân có phản ứng rất mạnh mẽ.
Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng. Cụ thể, yêu cầu Bộ GTVT rà soát tất cả dự án BOT để xác định đúng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình; xác định chi phí, thời gian thu phí hợp lý. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp khắc phục bất cập vị trí đặt trạm thu phí để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích người dân.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục kẽ hở làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước; tiếp tục rà soát các dự án BOT, xử lý khắc phục những tồn tại, sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông theo giai đoạn thì phải tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư, nói cách khác là kế hoạch hóa đầu tư, cân đối các nguồn lực…
“Trong đó xác định rõ tuyến đường, công trình đầu tư bằng hình thức BOT và từ đó công bố công khai để nhà đầu tư, người dân biết. Theo đó, chúng ta tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu và người dân biết để kiểm tra, giám sát. Và chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không đầu tư trên các tuyến đường độc đạo, bảo đảm cho người dân có sự lựa chọn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Buổi chất vấn và trả lời chất vấn đối với bộ trưởng Bộ GTVT còn 17 đại biểu chưa đặt câu hỏi, tuy nhiên do hết thời gian nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề này.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, nhóm vấn đề thứ nhất có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 21 lượt tranh luận. Phiên chất vấn với nhóm này diễn ra sôi nổi. Các ĐB đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của QH, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước QH, mặc dù mới đảm nhiệm cương vị bộ trưởng tám tháng nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành GTVT, với những kết quả và biện pháp chỉ đạo điều hành trong thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc tình hình, thực trạng và đã trả lời, làm rõ hầu hết các vấn đề được ĐBQH chất vấn.
Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành GTVT nói chung. Tuy nhiên, trong trả lời vẫn còn có một số nội dung ĐB chưa hài lòng, chưa thỏa đáng nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.
Người đứng đầu QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH. Đồng thời tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế.