Phòng cháy chữa cháy vẫn chờ ngày được gỡ vướng

Xóa 'ma trận' giấy phép con cản đường doanh nghiệp - Bài 2

Phòng cháy chữa cháy vẫn chờ ngày được gỡ vướng

(PLO)- Doanh nghiệp kêu cứu, Thủ tướng chỉ đạo, Quốc hội có ý kiến… nhưng những chuyển biến trong lĩnh vực PCCC có lẽ chưa theo kịp cuộc sống.

PCCC là rất cần thiết trong mọi lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia và cả cơ quan nhà nước vẫn đau đầu với các quy chuẩn PCCC. Như TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, nói: “Không thể thực hiện, triển khai được”.

Ngay cả Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nói tại phiên họp 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 7-2023 cũng cho rằng: “Đây là những vấn đề rất khó, bởi đang thiếu và yếu về giải pháp, cũng như phương tiện kỹ thuật, nhân lực, cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế...”.

Đầu tư 1 tỉ mất gần 1 tỉ PCCC

Từ đầu năm 2023, hàng loạt ý kiến kêu cứu của DN về PCCC được dư luận quan tâm, báo chí phản ánh. Điểm qua một số vấn đề mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số DN đã phân tích để thấy được PCCC đang cần cải cách từ tư duy đến quy chuẩn.

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM thực hiện kiểm tra PCCC tại doanh nghiệp. Ảnh: PC07

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM thực hiện kiểm tra PCCC tại doanh nghiệp. Ảnh: PC07

VCCI hồi tháng 4-2023 nhận được công văn của Bộ Công an đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020 về PCCC.

Theo đó, VCCI đề nghị cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền thêm cho công an cấp tỉnh thực hiện thẩm duyệt PCCC dự án nhóm A mà không chỉ để Cục Cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Theo VCCI, dù Nghị định 136/2020 không áp dụng hồi tố nhưng một số DN vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế PCCC (nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ)… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn mới. “Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN” - VCCI nhận xét.

Hay kiểm định phương tiện PCCC đã được xã hội hóa và Nhà nước chỉ hậu kiểm nhưng Nghị định 136/2020 dành quyền này cho cơ quan công an. Nghị định này cũng quét hầu hết các công trình, dự án cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng… VCCI đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ khi việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn PCCC mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế PCCC.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh karaoke phải đóng cửa do không đủ tiêu chuẩn PCCC. Ảnh: THU HÀ

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh karaoke phải đóng cửa do không đủ tiêu chuẩn PCCC. Ảnh: THU HÀ

Đặc biệt, khi đề cập đến các quy định về PCCC đối với các cơ sở y tế, VCCI cho biết: Theo phản ánh của DN, việc thực hiện các yêu cầu về PCCC là rất khó khăn, gây tốn kém nhiều chi phí cho các cơ sở y tế, trong đó có cơ sở y tế tư nhân. Chẳng hạn, một phòng khám chuyên khoa nội dự kiến đầu tư 1 tỉ đồng nhưng hệ thống PCCC cũng mất gần 1 tỉ đồng.

Nhiều quy định rất bất cập

Hồi tháng 4-2023, Thủ tướng ra công điện về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Tháng 7-2023, VCCI và Bộ Công an, Bộ Xây dựng cũng tổ chức một cuộc đối thoại với các DN.

Số liệu do Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) nêu tại đối thoại cho hay đã có khoảng 10.000 cơ sở được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi Thủ tướng ra công điện. Thế nhưng vẫn còn khoảng 38.000/1.182.722 cơ sở đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Hiệp hội PCCC và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho hay họ nhận được rất nhiều phản ánh của DN về khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho rằng có những quy định tuân thủ PCCC còn bất cập, gây tốn kém, làm khó cho nhà đầu tư, thậm chí cản bước tiến của DN. Điển hình Nghị định 136/2020 bắt buộc nhiều mẫu kết cấu phải thử nghiệm chịu lửa và nếu thử lửa thì chắc chắn các kết cấu đó đều biến dạng.

“Với các kết cấu có chi phí thấp thì việc thử nghiệm không phải là vấn đề lớn nhưng một số kết cấu vô cùng đắt đỏ như cửa giếng thang máy có chi phí hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng. Đây thực sự là sự lãng phí không cần thiết” - chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang nói.

Hay có những DN chuyển từ dệt may sang chế biến, xuất khẩu gỗ. Thế nhưng khi gỗ không xuất khẩu được, dệt may không có đơn hàng thì DN chuyển sang xuất khẩu trái cây tươi, trái cây đóng hộp, những sản phẩm không dễ cháy. Vậy mà cơ quan PCCC ở địa phương vẫn yêu cầu thẩm định PCCC.

Không thay đổi sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa

Cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với quy định về PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng ngàn DN phải đóng cửa.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

Vô số “vòng kim cô” cho doanh nghiệp

Nhiều sai phạm xảy ra trong công tác PCCC không phải vì thiếu luật mà do con người. Mỗi lần sai phạm xảy ra thì chúng ta lại nghĩ rằng có lẽ luật pháp chưa được chặt chẽ, thế là chúng ta lại đặt thêm một số quy định. Chúng ta rút ra những liệu pháp đúng như vậy thì mới khắc phục được. Còn nếu không thì sẽ có vô số “vòng kim cô” cho DN và cho xã hội nhưng không khắc phục được yếu kém.

ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(TP.HCM)

Cần xem lại tính hợp lý

Tới đây, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu việc giao một cơ quan của Chính phủ kiểm tra trước và xem xét tính pháp lý cũng như tính hợp lý của các thông tư của các bộ trước khi ban hành. Cũng cần phải giao một cơ quan đầu mối để kiểm soát tính hợp pháp và kể cả tính hợp lý đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng.

ĐBQH ĐỒNG NGỌC BA (Bình Định)

Tháo gỡ khó khăn

Cuối tháng 7-2023, nói trước đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cũng nêu nhiều bất cập về PCCC.

Theo ông, nhu cầu phương tiện PCCC ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là rất lớn. Các cơ quan chức năng phải bỏ ra chi phí cao để nhập các phương tiện hiện đại, trang bị cho lực lượng, phục vụ công tác PCCC nhưng lại không tính toán đến các phương án bảo trì, thay thế. Điều này dẫn tới tình trạng hư tới đâu sửa tới đó và cũng không có cơ sở nào đủ năng lực để sửa được các trang thiết bị PCCC đó.

Chưa kể hiện Bộ Công an chỉ đạo tất cả nhà dân đều phải trang bị bình chữa cháy nhưng không tính đến chuyện ai sản xuất để đáp ứng cũng như sửa chữa khi bình chữa cháy hư hay thiếu bột khô. Trên 90% cơ sở kinh doanh sản xuất nhỏ, lẻ chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn PCCC.

“Vừa rồi DN kêu tháo gỡ khó khăn, TP chỉ đạo nhưng thật sự chúng tôi làm theo quy định của theo pháp luật chứ cũng không biết tháo gỡ kiểu gì” - ông nói.

Ông Hưởng cũng cho biết TP đã rất tích cực để phản ánh ý kiến lên bộ, ngành, lập hai tổ công tác thường trực đi xuống cơ sở để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cho DN.•

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC

Báo cáo tại Quốc hội ngày 31-5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Hiện có chín quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC, 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi các bộ Công an, Xây dựng, Công Thương, KH&CN.

Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06/2022 về an toàn cháy cho nhà và công trình để PCCC cho công trình và bộ phận công trình. Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn 01/2020 về PCCC cho máy móc, thiết bị, cả thiết bị điện. Bộ Công an ban hành Quy chuẩn 03/2021 về phương tiện PCCC và Quy chuẩn 01/2019 về hệ thống PCCC cho kho chứa, cảng nhập và trạm phân phối khí đốt. Ngoài ra còn có một số quy chuẩn khác có liên quan.

Hiện có chín quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC. Ảnh: LÊ ÁNH

Hiện có chín quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC. Ảnh: LÊ ÁNH

Đọc thêm