Doanh nghiệp vẫn than khó về quy định PCCC

(PLO)- Dù cơ quan chức năng đã có văn bản tháo gỡ vướng mắc trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn nhưng nếu thực hiện doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-4, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA) tổ chức Hội nghị hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị, các DN cho biết: Dù trong Công văn 1091/C07-P3,P4,P7 năm 2023 (gọi tắt Công văn 1091) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC có nhiều điểm mới song chưa đủ để giúp DN dễ thở hơn.

Các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong hội thảo. Ảnh: THU HÀ

Các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong hội thảo. Ảnh: THU HÀ

PC07 cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp và tìm phương án tháo gỡ về PCCC cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Ảnh: THU HÀ

PC07 cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp và tìm phương án tháo gỡ về PCCC cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Ảnh: THU HÀ

Chi phí tăng rất cao

Đại diện Công ty Nidec Servo Việt Nam (TP Thủ Đức) cho biết đơn vị có kế hoạch cải tạo một kho hàng 500 m2 từ trước dịch COVID-19. Thời điểm đó, đơn vị thi công báo giá 800 triệu đồng nhưng phải hoãn vì dịch. Đến nay nhà thầu điều chỉnh chi phí lên gần 5 tỉ đồng, đáng nói là phần chi phí tăng thêm chủ yếu đáp ứng các quy định mới về PCCC. Chưa kể việc cải tạo này còn vướng rất nhiều thủ tục trong cấp phép, kiểm định nguyên liệu… lẫn giá vật liệu tăng cao.

Chung cảnh ngộ, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cơ khí Tân Thanh, cho biết sau khi tính toán phương án thiết kế và thi công, DN sẽ cần 1,5 tỉ đồng thay vì 1,2 tỉ đồng như trước để xây dựng một nhà xưởng 2.000 m2, bao gồm cả việc chuẩn hóa điều kiện PCCC.

Dẫn một câu chuyện thực tế, ông Nguyễn Chí Đức, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Logistics TP.HCM, cho biết đã có một DN ở Trường Thọ, TP Thủ Đức được cơ quan PCCC yêu cầu đưa đầu phun nước chữa cháy vào từng hàng kệ trong kho. Vấn đề đặt ra nếu làm theo yêu cầu này không những gây khó khăn cho công nhân trong quá trình xếp dỡ hàng hóa, mà còn gây tốn kém lớn cho DN.

“Cả kho rộng 4.000 m2, mỗi hàng kệ khoảng 3-4 tầng, mà 3-4 đơn vị tư vấn đều báo giá 1,5 triệu đồng/m2, tính ra là 6 tỉ đồng. Nếu theo yêu cầu này, công ty ấy từ Nam tới Bắc có hơn 100.000 m2 diện tích kho kệ thì con số phải lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đó mới chỉ là chi phí của một DN” - ông Đức nói.

PC07 cũng đang rà soát dựa trên Công văn 1091 để đưa các đơn vị đủ điều kiện PCCC hoạt động trở lại.

Cần linh động trong việc thẩm định

Tại buổi tọa đàm, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM, cho biết chỉ trong giai đoạn 2020-2022 đã có ba lần điều chỉnh quy chuẩn về PCCC.

“Chúng tôi là cơ quan quản lý trực tiếp, thường xuyên làm việc, mà hệ thống quy chuẩn ban hành liên tục như vậy còn khó cập nhật, chứ đừng nói đến đơn vị tư vấn thiết kế thi công” - Đại tá Quan nói.

Theo đó, với Công văn 1091 đã đưa ra một số điểm mới trong quy chuẩn tiêu chuẩn xét duyệt PCCC cho DN hiện nay. Đơn cử, đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thời điểm đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh. Khuyến khích áp dụng phiên bản quy chuẩn mới, nếu điều đó có lợi cho DN.

Ngoài ra, còn tháo gỡ cho loại hình nhà phố chuyển công năng qua dịch vụ kinh doanh. Theo đó nếu nhà phố có quy mô nhỏ được trang bị hệ thống sprinkler (đầu phun nước chữa cháy), số người mỗi tầng không quá 20 thì cho phép một lối thoát nạn, thay vì là hai lối như quy chuẩn mới.

Ông Quan cho biết điểm đặc biệt trong công văn lần này là đối với việc thẩm định vật liệu xây dựng như vật liệu chống cháy… sẽ chuyển qua thẩm định đầu nguồn. Có nghĩa là thẩm định ở phía nhà sản xuất và thẩm định theo lô, chứ không kiểm định ở đơn vị thi công. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN và rút ngắn thời gian kiểm định.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, nhìn nhận Công văn 1091 lần này đã có nhiều điểm mới và quan trọng. Thứ nhất, cơ quan quản lý đồng cảm và chia sẻ với DN sẽ hạn chế đình chỉ và tạm đình chỉ DN. Thứ hai, việc áp dụng các quy chuẩn PCCC sẽ được thực hiện tại thời điểm DN xây dựng. Thứ ba, sự linh động một số giải pháp thay thế khắc phục hiện trạng PCCC.

Dẫu vậy ông Hòa cũng khuyến nghị DN nên lựa chọn đơn vị thiết kế thi công chất lượng, nắm rõ quy định về PCCC.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, HUBA sẽ là đầu mối lắng nghe, tổng hợp những khó khăn chung của DN để tiếp tục kiến nghị lên cơ quan chức năng. Đồng thời giữ liên lạc với đơn vị PCCC để giúp đỡ DN. Trong thời gian tới, HUBA sẽ có cuộc khảo sát thực tiễn khó khăn của DN và kết hợp cùng PC07 đi xuống từng DN để tháo gỡ vướng mắc trong PCCC.

Có gỡ vướng, DN vẫn phập phồng lo

Dù Công văn 1091 đã đem lại “hơi thở” mới cho DN nhưng theo bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch HUBA, các DN vẫn như bơi giữa hai dòng nước. Bởi hiện nay văn bản này vẫn chỉ mang tính nội bộ của ngành, trong khi đó nếu sau này đi vào luật hóa lỡ có thay đổi thì DN không biết xoay xở làm sao.

“Với tư cách là đại diện cho DN tôi không thể nào yên tâm bởi đây như biện pháp chữa cháy trong giai đoạn này. Về lâu dài vẫn cần sửa đổi các thông tư để không gây khó cho DN. Những tháo gỡ này hiện chỉ dừng ở những DN đã xây dựng trước đó. Với DN xây mới nếu thực hiện theo Thông tư 06 thì chi phí quá cao, ngay cả DN nước ngoài cũng lắc đầu” - bà Chi nhấn mạnh.

Bà Chi cũng nhìn nhận với những quy chuẩn PCCC mới đến các DN nước ngoài tiên tiến nhất cũng bó tay.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, cũng cho rằng: “PCCC liên quan mật thiết đến tài sản DN nên hơn ai hết họ có ý thức bảo vệ tài sản của mình. Do đó nếu làm theo đúng quy chuẩn mới, DN đang trở thành một đơn vị PCCC chuyên nghiệp”.

Trước những nỗi lo này, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các DN. PC07 sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để tiến tới sớm sửa đổi các điều khoản trên tinh thần phù hợp với điều kiện kinh tế, thực tế của DN Việt, làm sao để cho DN có thể chấp nhận được các yêu cầu PCCC.

“Riêng với các DN đang đình chỉ và tạm đình chỉ, chủ yếu là lĩnh vực karaoke, PC07 cũng đang rà soát dựa trên Công văn 1091 để đưa các đơn vị đủ điều kiện PCCC hoạt động trở lại. Những đơn vị nào chưa đủ điều kiện vẫn sẽ phải đóng cửa để sửa chữa, khắc phục” - ông Quan cho biết.

Theo ông Quan, hiện nay PC07 đã có tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn trong vấn đề PCCC cho DN, chính vì vậy khi gặp khó hãy liên hệ tổ công tác, số hotline 0693187183 thay vì nghe theo đơn vị thiết kế, tránh tình trạng xây rồi đập, tốn chi phí.•

Hiện tại nhiều quán karaoke đang gặp khó về quy định PCCC. Ảnh: THU HÀ

Hiện tại nhiều quán karaoke đang gặp khó về quy định PCCC. Ảnh: THU HÀ

Nhiều quy định chưa sát với thực tế

Ông Lê Trọng Lập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết nhiều quy định về PCCC do ngành chức năng đưa ra chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam khiến DN gặp khó.

Đơn cử, trong đợt dịch COVID-19, ngành xây dựng đưa ra các quy định chuẩn kính chống cháy áp dụng các công trình nhưng Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất loại này. Các DN phải nhập khẩu từ Trung Quốc mà từ sau dịch, các cửa khẩu phía Bắc chưa thuận lợi cho việc nhập khẩu.

“Nếu không lắp loại kính này thì công trình không được nghiệm thu, mà không nghiệm thu thì không được hoạt động. Tương tự, sơn chống cháy Việt Nam hiện cũng chưa sản xuất mà phải nhập khẩu, rất khó cho DN”.

Ông đặt vấn đề Bộ Xây dựng khi soạn thảo văn bản, quy định có xem xét năng lực sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam hay không. Liệu các yêu cầu trong quy định có đi quá sớm so với thực tiễn? Ông đề nghị khi đưa ra các quy định cần xem xét trình độ sản xuất thực tế của các DN Việt Nam; cần có độ trễ khi thực hiện không phải ban hành và triển khai ngay, bởi nó liên hệ đến hàng loạt quy trình của DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm