Dựa trên phương án phá dỡ phần còn lại cầu Phong Châu do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn lập, Sở GTVT Phú Thọ đã báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Phú Thọ xem xét quyết định.
45 ngày thực hiện phá dỡ
Về thời gian, việc phá dỡ dự kiến thực hiện trong khoảng 45 ngày, bao gồm từ khi chuẩn bị cho đến hoàn thành, hoàn trả mặt bằng dự án. Kinh phí thực hiện dự kiến gần 8,5 tỉ đồng.
Trong suốt quá trình thi công phá dỡ sẽ bố trí nhân công bơm nước phun vào vị trí phá dỡ để hạn chế tối đa bụi thi công, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Cũng theo phương án này, trong thời gian thi công phá dỡ bằng máy, tiếng ồn và tần suất bụi sẽ tăng lên rất nhiều, do đó nhà thầu sẽ tăng cường hệ thống chắn bụi, hệ thống bơm nước tạo mù, nhằm hạn chế bụi ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và vệ sinh môi trường xung quanh.
Trong quá trình thực hiện phương án phá dỡ, nếu có thay đổi hoặc không phù hợp với điều kiện thực tiễn tại hiện trường, có những khó khăn, vướng mắc, Sở GTVT Phú Thọ sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh trước khi triển khai thực hiện.
Phương án chi tiết
Các phần còn lại của cầu Phong Châu sẽ được phá dỡ lần lượt từ lan can, lề người đi bộ, đèn chiếu sáng, mặt cầu sau đó là dầm thép, trụ cầu và mố cầu.
Đối với phần lan can, mặt cầu... đơn vị thi công sẽ dùng máy phá bê tông chuyên dụng phá dỡ lan can, lề người đi bộ, bản mặt cầu. Kế đó, là tháo dỡ dầm thép hoặc cấu kiện dầm bê tông cốt thép.
Ở hạng mục này, nếu là dầm bê tông cốt thép, búa phá thủy lực hoặc kim bóp bê tông thủy lực sẽ được sử dụng để phá nhỏ các cấu kiện, phá các kết cấu dầm ngang và dầm dọc. Sau đó, dùng cần cẩu bánh xích hoặc lốp đủ sức nâng để cẩu một phần dầm thép, hoặc một phần cấu kiện bê tông sau phá cắt và tập kết về nơi quy định. Các nhịp còn lại thi công tương tự.
Với việc phá trụ T5, trước hết nhịp số 5 phải được neo và thi công phá thân trụ phía thượng lưu trước để định hướng nhịp 5 đổ sập về phía thượng lưu cầu. Tiếp đó, dùng máy phá bê tông kết hợp nhân công tháo dỡ kết cấu trụ trên mực nước.
Sau đó, dùng máy đào nạo vét vật liệu thải, bùn xung quanh trụ cầu đến cao độ phá dỡ rồi sử dụng máy phá bê tông chuyên dụng đập bỏ trụ cầu đến cao độ phá dỡ, dùng cần cẩu cẩu khối bê tông sau đục phá và vận chuyển đến nơi quy định.
Với việc phá dỡ trụ T6, đơn vị thi công sẽ phá dỡ đến cao độ thấp hơn cao độ đáy sông tự nhiên khoảng 1m bằng phương pháp đóng cọc cừ tạo bờ vây, bơm nước bên trong bờ vây, dùng máy đào để đào xúc đất sâu hơn cao độ đục phá hoàn thiện khoảng 0,5m. Tiếp đó, dùng búa phá để đục phá phần bê tông rồi dùng nhân công kết hợp với máy cắt thép, dùng cẩu kết hợp với máy xúc để cẩu thép, bê tông sau phá dỡ lên phao nổi và đưa về bãi tập kết.
Phá dỡ kết cấu mố cầu Phong Châu
Đơn vị thi công sẽ dùng máy xúc đào đất xung quanh phạm vi mố cầu đến cao độ cần phá dỡ sau đó dùng máy phá bê tông chuyên dụng kết hợp nhân công phá dỡ bê tông mố cầu.
Đối với cấu kiện bê tông cốt thép sẽ dùng máy phá bê tông đập đục phá lớp bê tông bảo vệ, sau đó huy động nhân công dùng ôxi, ga cắt thép cấu kiện. Tiếp đó, sau khi đã phá được cấu kiện thì dùng cần cẩu cầu khối bê tông đã phá dỡ và vận chuyển đến nơi quy định. Bước cuối thi công đập phá bê tông lớp đến cao độ phá dỡ theo yêu cầu.
Với tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông của công trình cầu Phong Châu sau khi tháo dỡ, Sở GTVT Phú Thọ đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ GTVT thanh lý theo quy định.
Qua kiểm tra bằng trực quan và theo dõi hàng ngày, Sở GTVT Phú Thọ nhận thấy, nhịp số 5 (nhịp giàn thép tại vị trí khe co giãn, khớp nối, lan can cầu hai bên tại vị trí tiếp giáp giữa nhịp giàn số 5 và số 4 bị tách ra khỏi nhịp giàn số 4) đã bị nghiêng ra ngoài phía lòng sông Hồng, tiềm ẩn nguy cơ nhịp giàn thép số 5 sẽ bị sập đồ bất cứ lúc nào.