Phú Yên: 3 ngư dân bị lũ cuốn sống sót thần kỳ

Sau 10 tiếng đồng hồ chống chọi với nước lớn, sóng dữ, mưa gió mịt mùng, ba cha con, cháu trong một gia đình ngư dân ở Phú Yên đã bơi được vào bờ, trong khi các phương tiện đều không thể ra cửa biển cứu nạn.

Trở về từ cõi chết

Lúc 23 giờ 29 phút ngày 3-11, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhắn tin vào máy điện thoại của PV Pháp Luật TP.HCM:“3/4 người lúc chiều bị lũ cuốn đã vào được bờ”. Đó là tin vui nhất, xúc động nhất kể từ khi lũ lớn dâng cao, gây ngập phần lớn tỉnh Phú Yên đến giờ. 

Ba người sống sót thần kỳ gồm: cha con ông Trần Văn Tâm (49 tuổi), Trần Công Nhật (26 tuổi) và anh Võ Tấn Sang (20 tuổi, cháu ông Tâm, cùng ngụ phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên).

Lúc 23 giờ ngày 3-11, giữa nước lũ mênh mông, giữa mưa gió mịt mù trong đêm khuya, ba cha con, chú cháu ông Tâm từ cửa biển Đà Rằng (phường 6) bơi được vào bờ rồi dìu nhau về nhà. Tất cả người chứng kiến đều vỡ òa, nghẹn ngào vì hầu như không ai tin là ba ngư dân này có thể chống chọi nổi với lũ dữ, chiến thắng tử thần và sống sót kỳ diệu để trở về như vậy!

Người dân địa phương lo lắng cho tính mạng các ngư dân bị nạn.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, lúc 13 giờ ngày 3-11, trên đường từ cảng cá phường 6 qua khu neo đậu Đông Tác thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa để tránh lũ, tàu câu cá ngừ đại dương PY-90151TS của ông Trần Văn Tâm bị lũ mạnh đẩy thẳng ra biển.

Chưa kịp xử lý, tàu lại mắc cạn rồi bị sóng lớn đánh chìm tại cửa biển Đà Rằng. Hai cha con ông Tâm cùng hai người cháu của ông Tâm bị rơi xuống biển. Những ngư dân bị nạn ôm phao kêu cứu, ngụp lặn giữa biển nước đang dâng cao, lũ chảy siết từ cửa sông đổ ra.

Rất nhiều người đứng trên bờ nhìn thấy bốn ngư dân kêu cứu trong tuyệt vọng nhưng không thể ra cứu vớt vì dòng lũ từ thượng nguồn đang đổ xuống quá mạnh, trong khi triều cường đang dâng rất cao, sóng đánh dữ dội, mưa gió đen trời.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng các lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên khẩn cấp triển khai lực lượng cứu nạn, huy động nhiều phương tiện ra cứu người. Tuy nhiên, do lũ đổ xuống cuồn cuộn, sóng biển rất lớn, cùng với gió mạnh nên tất cả phương tiện đều không thể ra cửa biển.

Nhiều ngư dân cho rằng với tình hình ở cửa biển Đà Rằng hiện nay, khi ra cửa biển, chắc chắn tàu thuyền sẽ bị nhấn chìm, dù có công suất lớn. Đến hơn 16 giờ cùng ngày, cả bốn ngư dân đều mất dạng giữa sóng biển mênh mông.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cùng nhiều người dân địa phương đến thăm hỏi, động viên cha con ông Tâm vừa thoát nạn. Ảnh: TẤN LỘC

Trực tiếp chỉ huy cứu nạn tại hiện trường, ông Trần Hữu Thế đã liên lạc đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp chi viện trực thăng để hỗ trợ tìm kiếm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với tình hình mưa gió dữ dội như vậy, trực thăng khó có thể bay ra cửa biển. Càng về đêm, mọi nỗ lực, phương án tiếp cận, tìm kiếm càng rơi vào bất lực.

“Chúng tôi nhận định nước sẽ chảy vòng ở cửa biển, nhiều khả năng các ngư dân sẽ bị cuốn theo dòng chảy vòng đó. Do đó, chúng tôi cho thả 20 phao cứu sinh kèm đèn nhấp nháy, nước uống, mì ăn liền trôi theo dòng nước vòng đó với hy vọng các ngư dân bắt bị nạn được, cầm cự chờ cứu vớt” - ông Thế cho hay.

Giây phút kinh hoàng

Chưa hết hoảng loạn, các ngư dân kể lại rằng họ sống sót là nhờ tấm ván của nắp hầm chiếc tàu bị vỡ. Sau khi tàu cá bị chìm, hai cha con ông Tâm cùng anh Võ Tấn Sang đu được vào tấm ván đó. Anh Nhật và anh Thảo nằm đu bám hai bên, còn ông Tâm nằm giữa để giữ lại. Lát sau, họ tìm được một cây tre trôi trong lũ để tìm cách giữ thăng bằng.

“Bên trên sóng đánh kinh hoàng giữa mưa gió dữ dội! Bên dưới nước xoáy rất mạnh. Dòng nước siết đó cuốn chúng tôi ra biển, rồi trôi dạt tít ra phía bắc, đẩy vào bờ. Chúng tôi chưa kịp bơi vào thì bị hất vào phía nam. Cứ thế, chúng tôi bị cuốn đi bảy tám vòng. Chúng tôi chờ sóng lùa vô gần bờ rồi lấy hết sức bơi nhanh vào bờ” - ông Tâm kể.

Ông Trần Văn Tâm kể tiếp: "Lúc đó, tàu chìm rất nhanh do bị sóng lớn đánh dồn dập. Chỉ vài phút sau, cả bốn chúng tôi bị cuốn phăng ra biển, chỉ kịp bám vào chiếc can nhựa.

Thảo kiệt sức vì chân bị chuột rút, khóc nói với tôi: "Chắc chết thôi chú!".

Tôi trấn an nói: "Cố gắng đi con, ráng đi con! Đừng hoang mang! Hoang mang là chết, không thể sống được".

May thay, một cây tre dài khoảng 2 m trôi đến. Cả bốn chúng tôi chồm đến chộp lấy. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, cả bốn người đều bị sóng đánh văng ra xa. Lúc này, mỗi người tự cầm lấy một can nhựa chống chọi với sóng dữ. Khủng khiếp lắm! Sóng nhồi lên, nhấn xuống bốn năm lần là không ai còn sức lực gì nữa. Tôi nhiều lần tìm cách bơi đến gần Thảo để động viên nhưng không thể được!”.

Đến 23g khuya 3-11, hai cha con ông Tâm cùng anh Sang bị sóng đánh dạt vào bờ đá khi cả ba người đã kiệt sức. Anh Sang, anh Nhật ráng dìu ông Tâm phải bò lê lết tránh sóng.

Nghe tiếng kêu cứu của anh Nhật, anh Sang, người dân chạy đến dìu đưa về nhà. Xúc động đến tột cùng, ông Tâm nói tiếp: “Đó là những giờ phút tử thần! Tôi không thể tin được mình, con và cháu thoát chết được. Nhưng hết sức đau buồn vì thi thể cháu Thảo vẫn chưa tìm thấy”.

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, bày tỏ: "Các ngư dân đã rất bình tĩnh và rất may mắn mới có thể thoát được sóng biển dữ dội như vậy. Chúng tôi vừa liên lạc với bên bảo hiểm đề nghị kiểm tra, lập hồ sơ thiệt hại để thực hiện chi trả bảo hiểm theo quy định cho ông Tâm. Để chia sẻ mất mát với ngư dân, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ cho ngư dân khắc phục hậu quả vụ tai nạn".

Ngay trong khuya 3-11, ông Trần Hữu Thế cùng lãnh đạo chính quyền địa phương trực tiếp đến nhà, thăm hỏi, động viên các ngư dân vừa bị nạn trở về.

Theo ông Trần Minh Thảo, Chủ tịch UBND phường 6, sáng 4-11, các lực lượng cứu hộ đang tìm cách tìm kiếm nạn nhân còn lại anh Nguyễn Văn Thảo (22 tuổi, ngụ địa phương này). Tuy nhiên, theo ba ngư dân sống sót, ngay sau khi tàu vừa bị đánh chìm ở cửa biển, anh Thảo đã bị sóng nhấn chìm nên khả năng sống sót rất thấp.

Thủy điện Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết từ sáng 4-11 Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng xả lũ 4.000 lên 6.000 m3/giây. Nguyên nhân nhà máy này phải tăng lưu lượng xả lũ là lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H’năng, Sông Hinh tăng cao.

Trong khi đó, hiện nay nhiều vùng hạ lưu sông Ba như các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, TP Tuy Hòa vẫn ngập sâu trong lũ. Cũng theo ông Thế, lũ tại các Tuy An, Đồng Xuân đang xuống chậm.

Ông Nguyễn Văn Tâm vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ lũ cuốn kinh hoàng. Ảnh: TẤN LỘC

Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ lưu lượng lớn. Ảnh: TẤN LỘC

Hàng ngàn ngôi nhà ở Phú Yên đang ngập sâu trong lũ. Ảnh: M.H.N

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới