“Kẻ cắp gặp bà già”, hàng trăm triệu đồng giả cũng chỉ đổi lấy cục sắt bằng ngón tay - cái được gọi là “đồng đen”. Hoạt động của hai băng tội phạm này đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an. Tiếp xúc với phóng viên ngày 9-4-2010, thượng tá Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh An Giang cho biết, toàn bộ các đối tượng trong hai băng nhóm tội phạm này đã bị bắt giữ và xử lý nghiêm trước pháp luật. Đây là chiến công có được từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công an tỉnh An Giang và Công an TP.HCM.
“Đồng đen”
Kịch bản lừa
Năm 1989, Huỳnh Văn Gát (SN 1939, ngụ xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bị cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang bắt về hành vi mua bán đồ cổ giả, phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mãn hạn tù, Gát trở lại địa phương sinh sống. Với chút vốn liếng hiểu biết về đồ giả cổ, Gát quyết định đổi đời bằng một phi vụ có một không hai. Khoảng tháng 4-2002, Gát tìm gặp Trần Văn Se (SN 1955, ngụ xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang) là anh em kết nghĩa với Gát. Chúng lên phương án biến một cục sắt nhỏ thành “đồng đen” giá lên đến 1 triệu USD.
Sau khi chuẩn bị các công cụ thử đồng đen (gương, đá lửa), Gát cùng Se tuyển một dàn “diễn viên” gồm Trần Văn Se, Đặng Văn Dũng làm môi giới; Nguyễn Hoàng, Toan (chưa xác định được nhân thân lai lịch) đại diện cho Gát tìm đối tác mua “đồng đen”. Riêng Trần Minh Đức sẽ đại diện cho một công ty nước ngoài, chuyên tìm mua đồng đen phục vụ cho... quân sự.
Do từng sống ở TP.HCM, biết hai Công ty TNHH Thương Tân và Vân Hồng (cùng trên địa bàn phường 5, quận 5, TP.HCM) làm ăn khấm khá nên Trần Minh Đức trong vai đại diện cho công ty nước ngoài, đặt vấn đề cần mua đồng đen với giá 1 triệu USD. Thấy lợi nhuận béo bở, Ngô Trọng Hiếu và Võ Thị Hồng Vân (đại diện hai công ty nói trên) đồng ý. Trước đó Trần Văn Se, Đặng Văn Dũng cùng vài người khác đã giăng bẫy bằng cách chào bán “đồng đen” với giá khoảng 1 tỷ đồng. Do có “chuyên môn” nên Đức đồng ý giúp Hiếu - Vân kiểm tra đồng đen giả hay thật.
Theo giới thiệu của Se và Hoàng thì hiện ở An Giang có một người (Huỳnh Văn Gát) cần bán một cục đồng đen và hẹn Ngô Trọng Hiếu đến nhà trọ số 7, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên để xem hàng. Như đã thỏa thuận, Đức đồng ý đi cùng Hiếu để trực tiếp kiểm tra. Nếu là đồng đen thật, Hiếu sẽ chi 1,1 tỷ đồng, sau đó chuyển về TP.HCM. Đức sẽ đại diện công ty nước ngoài mua lại với giá 1 triệu USD. Mỗi lần đi kiểm tra, Hiếu phải trả cho Đức 30 triệu đồng, gọi là “tiền trách nhiệm”, bởi Đức phải vất vả áp tải “1 triệu USD” mang theo để giao dịch. Giao dịch thành công hay không thì Hiếu cũng phải mất tiền phí trên cho Đức.
Từ TP.HCM, ôtô 52T – 5860 do Ngô Thanh Bình điều khiển (xe của Võ Thị Hồng Vân) chở Vân, Hoàng và Hiếu đi An Giang. Riêng Đức đi xe Land Cruiser chở theo 1 triệu USD (thực tế không có tiền). Đúng giờ, cả nhóm đến điểm hẹn ở khu nhà trọ số 7. Lấy lý do khách trễ hẹn nên “ông chủ” của cục “đồng đen” đã ra về nhằm ...“bảo toàn tài sản”. Để tạo niềm tin cho Hiếu, Gát nại lý do “giao dịch trễ, chở tiền về vì sợ buổi tối dễ bị ăn cướp”, hẹn hôm sau sẽ kêu cháu “ông sư” (Danh Ga - một “diễn viên” trong kịch bản của Gát) đem “đồng đen” đến. Gát yêu cầu Hiếu phải chi cho Gát 5 triệu đồng để thuyết phục cháu “ông sư”.
Hai đối tượng Gát, Đức
Cũng với những gì đã thỏa thuận, Hiếu - Đức cùng các “đối tác” có mặt tại TP Long Xuyên để thực hiện “phi vụ làm ăn lớn”. Nhưng liên tục nhiều lần, với rất nhiều lý do, nào là trễ giờ hẹn, nào là cháu “ông sư” (Danh Ga) và ông Gát trước đó đã bị một trong những người đi cùng (tên Toan) bóp cổ cướp hàng (đồng đen) v.v... nên “chủ nhân” đã không có mặt để giao dịch. Tổng cộng ba lần đi “tháp tùng”, Đức đã lấy của Hiếu 90 triệu đồng “phí vận chuyển”. Biết Hiếu nghi ngờ, Gát cùng đồng bọn dàn dựng một cảnh mới hấp dẫn hơn: cho Hiếu trực tiếp thấy cảnh thử ... đồng đen.
Thử “đồng đen”, thủy tinh bị vỡ
Theo tin đồn từ những tay chơi đồ cổ thì đồng đen có công năng rất đặc biệt. Bất cứ một vật gì phát sáng như tivi, bóng đèn... khi tiếp cận đồng đen sẽ bị tắt, mất tín hiệu, gương soi bị rạn nứt, đá lửa sẽ mất lửa... Với những dụng cụ cần thiết đã được chuẩn bị, Đức cùng Hiếu mang theo đá lửa, gương để kiểm tra. Đúng hẹn, hai bên gặp nhau tại một quán cà phê ở TP Long Xuyên, An Giang. Tại chòi lá, Gát móc trong túi xách một đồ vật được gói kỹ trong bao nylon đen, có quấn băng keo màu vàng (hình bầu dục).
Se kêu Gát tháo băng keo để thử, nhưng Gát không đồng ý và nại lý do nhiều lần tiếp xúc với “đồng đen” nên bị méo miệng (thực chất Gát cũng bị méo miệng do tai biến trước đó). Se cũng hùa theo, không cho mở băng keo vì “nó” (đồng đen) sẽ làm sức khỏe yếu, vợ chê. Nghe vậy Hiếu cũng không dám mở. Đức chen vào: “Chuyện nhỏ, mấy bác không mở thì để em. Mỗi lần đi giao dịch em đều được công ty cho thuốc để uống nên chắc chắn không bị ảnh hưởng...”.
Với thao tác khá nhuyễn, Đức tháo bọc nylon, bỏ “đồng đen” vào giỏ đựng sẵn gương và đá lửa. Khoảng hai phút sau, khi đem các thứ trên ra ngoài, Hiếu nhận ra tấm gương đã bị rạn nứt, đá lửa cho vào hộp quẹt Zippo bật không xẹt lửa. Có thêm xác nhận của “kiểm tra viên” Đức, đây là đồng đen thật, Ngô Trọng Hiếu đã đồng ý mua với giá 1 tỷ đồng và đặt cọc 200 triệu đồng. Thế nhưng phi vụ này bất thành, Hiếu nhận lại tiền đặt cọc với lời hứa trực tiếp từ “ông sư” - chủ nhân của cục đồng đen quý giá trên: “Ba ngày sau sẽ giao dịch”. Tất nhiên ngoài những chi tiêu cho các “đối tác”, Hiếu lại phải trả cho Trần Minh Đức 30 triệu đồng áp tải “1 triệu USD”. Ngô Trọng Hiếu và Võ Thị Hồng Vân đã phải chi hàng trăm triệu đồng nhưng cục “đồng đen” thì vẫn nằm trong túi... “ông sư”.
Sau bốn lần mua bán bất thành, Ngô Trọng Hiếu và Võ Thị Hồng Vân nảy sinh nghi ngờ. Tương kế tựu kế, một kế hoạch “sản xuất” tiền giả được triển khai ngay tại nhà Hiếu. Khoảng một tỷ đồng tiền giả mệnh giá 100 ngàn và 50 ngàn đồng đã được đóng thành từng cọc ngay ngắn đem đi mua “đồng đen”. Giao dịch thành công, nhưng kẻ thì có được cục sắt với giá chưa tới năm ngàn đồng, nhóm lừa đảo kia cũng ôm hàng ký giấy lộn (gần 1 tỷ đồng).
Nhân vật bí ẩn xuất hiện
Thương vụ đồng đen vẫn được tiếp tục. Trần Văn Se gọi điện cho Hiếu để nối lại thỏa thuận hợp đồng mua bán. Để tạo niềm tin với Hiếu, Se đề nghị “đối tác” không cần mang tiền cọc. Kiểm tra đúng là đồng đen thật thì niêm phong lại, sau đó ra khu vực chợ đông người thực hiện giao nhận tiền - hàng. Sau khi thỏa thuận, Hiếu gọi điện cho Đức yêu cầu đi cùng để kiểm tra “hàng”, nếu đúng thì mỗi bên (công ty của Đức cùng Hiếu) phải bỏ ra 1 tỷ đồng nhằm đảm bảo hợp đồng mua bán được thực hiện. Đức không đồng ý với phương án này và bỏ về.
Hai đối tượng Vân, Hiếu
Nghi ngờ Đức “hợp tác” cùng với Gát, Se lừa đảo mình, Hiếu bàn với Võ Thị Hồng Vân: “Rất có thể tụi này lừa đảo chị em mình, giờ không biết là đồng đen thật hay giả. Tôi với bà kêu thằng Quang làm tiền giả cho tụi này biết tay...”. Ngay sau đó Võ Hồng Quang (em ruột Vân) đã đồng ý và in 1 tỷ đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giả để mua đồng đen.
Khi in đủ tiền, Hiếu liên lạc với Se để sắp xếp thời gian, địa điểm kiểm tra và thực hiện việc mua bán. Đồng thời, Hiếu báo cho Đức biết để Đức chuẩn bị tiền của “công ty nước ngoài” khi giao dịch thành công. Hiếu cùng với Đức, Bình, Dũng đi bằng ôtô của Vân thẳng xuống Long Xuyên, An Giang và thuê phòng ngủ tại khách sạn X.P. Sáng hôm sau, cả nhóm xuống khu du lịch Vườn Cò, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ để thực hiện việc mua bán.
Như những lần trước, khi kiểm tra xong, Đức xác định đây là đồng đen thật. Hiếu trực tiếp ký niêm phong và hẹn sáng hôm sau giao nhận tiền - hàng. Khoảng 9 giờ sáng, Trần Văn Se gọi điện cho Hiếu đến quán cà phê ngay dốc cầu Trại Mại (huyện Thốt Nốt) để gặp mặt. Tại đây, khi đã kiểm tra đúng hàng niêm phong, Hiếu giao một tỷ đồng cho phía Se, Gát. Cả nhóm trở lại TP.HCM và kiểm tra lại “đồng đen” để giao dịch với “công ty nước ngoài”. Họ hồi hộp chờ kết quả kiểm tra của Đức, nhưng mọi thứ như gương và đá lửa đều không có gì thay đổi (gương không rạn nứt, đá không mất lửa). Đức khẳng định “đây là đồng đen giả” và bỏ về.
Hôm sau, Se gọi điện thoại cho Hiếu: “Anh Hiếu ơi, thằng cháu ông sư (Danh Ga) đã tráo cục hàng đã kiểm tra và niêm phong rồi. Nó bỏ tôi và ông Gát đói muốn chết luôn nè. Tôi mà gặp được nó sẽ bắt giao công an...”. Hiếu bực mình hỏi lại: “Vậy chứ cục đồng đen thật nó đem đi đâu?”. Se tiếp lời: “Nó đem về đưa lại cho ông sư” đồng thời nói với Hiếu: “Tiền anh đưa, ông sư nói toàn tiền giả, chỉ có một ít là tiền thật”. Hiếu cười khẩy: “Mấy ông đưa đồng đen giả mà cũng đòi lấy tiền thật sao?”.
Sau cuộc trao đổi này, Se nói với Hiếu đã liên lạc được với “ông sư”. Việc mua bán sẽ diễn ra trực tiếp giữa Hiếu với ông sư và hẹn đúng một tuần sau giao dịch. Bàn bạc với Vân, cả hai gom hết được 320 triệu đồng tiền thật (mệnh giá 50 ngàn và 20 ngàn đồng). Do đã từng là nhân viên ngân hàng nên không mấy khó khăn, Vân đã băng thành 20 cọc tiền bên ngoài là 50 ngàn đồng, bên trong là loại 20 ngàn đồng để nâng tổng số tiền lên thành 1 tỷ đồng. Cuộc mua bán lần này, Hiếu chuẩn bị khá kỹ từ nhân lực (với ý định bắt giữ một trong những đối tượng giao dịch về thành phố để làm tin) cho đến các dụng cụ để thử “đồng đen”. Dù mang đủ tiền và dụng cụ thử đồng đen nhưng Se và Gát vẫn tỏ vẻ không hài lòng và hẹn bữa sau bởi “ông sư” bị bệnh.
Biết chắc không có Đức thì phi vụ sẽ bất thành, Hiếu gọi điện kêu Đức đến công ty nhận 30 triệu đồng (tiền trách nhiệm vận chuyển “1 triệu USD”) và bí mật cho người theo dõi. Thấy Đức không về công ty mà đến chợ Hòa Bình, quận 5 ghé vào một tiệm vàng để mua đô la, Hiếu đã lờ mờ hiểu ra câu chuyện.
Ít hôm sau, Se lại gọi cho Hiếu và cho biết “ông sư” cần gặp. Đúng 9 giờ, Hiếu, Vân, Bình và Kiệt có mặt tại điểm hẹn. Lúc này tại đây ngoài Gát và Se còn có một ông già khoảng 70 tuổi đầu trọc, răng rụng gần hết. Theo giới thiệu của Se thì đây chính là “ông sư” - chủ nhân của cục đồng đen quý hiếm. Qua tiếp xúc, Hiếu thấy ông ta nói với Se bằng tiếng Campuchia, theo “phiên dịch” thì nội dung như sau: “Từ trước đến giờ chỉ nghe tên chú Hiếu, đến hôm nay mới gặp mặt. Tôi lúc này sức khỏe yếu quá nhưng vì nể tình chú Hiếu có thiện ý nên mới cố gắng ra. Mấy bữa trước có giao cho đứa cháu thực hiện việc mua bán, nhưng nó đã làm cho tôi mất niềm tin. Giờ tôi đích thân giao lại công việc này cho Tư Gát và Se. Anh em mua bán với nhau vui vẻ nha!”.
Hiếu chia tay mọi người và về lại khách sạn. Cùng thời điểm đó, Đức thuê ôtô từ quận 5, TP.HCM chạy thẳng xuống khách sạn X.P nơi Hiếu đang ở. Thủ tục thử “đồng đen” được diễn ra sau đó ít giờ đồng hồ. Kịch bản được lập lại, nhóm của Gát một lần nữa lại qua mặt được Hiếu. Vẫn tỏ ra nghi ngờ bởi không ít lần thử “đồng đen” đều xuất hiện nhiều “yếu tố” bất ngờ: có người lạ xuất hiện, đánh nhau... Mỗi lần như vậy, một trong những người thuộc nhóm của Se, Gát đều ôm cục đồng đen bỏ chạy ra phía sau.
Quyết không để bị lừa một lần nữa, Hiếu yêu cầu Se, Gát và “ông sư” cho thử lại. Tỏ vẻ tức giận nhưng sau đó nhóm bán “đồng đen” vẫn đồng ý. Thế nhưng khi thử, người của Hiếu không cho Gát đụng tay vào cục “đồng đen”. Trong lúc đang làm các thao tác để kiểm tra “đồng đen” thì bỗng xuất hiện một người đàn ông: “Các anh làm gì ở đây, tôi là công an, xin cho kiểm tra giấy tờ”. Ngay lập tức Gát chụp lấy cục “đồng đen” bỏ chạy. Không hiểu sao sau đó anh “công an” này cũng bỏ đi mà không hề có một động thái nào.
Hiếu cùng đồng bọn ấm ức trở về TP.HCM. Thế nhưng những việc làm phi pháp của hai nhóm tội phạm này đã không qua mắt được những trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Công an tỉnh An Giang.
(Còn tiếp)
Theo Trung Hiếu (CATP)