ĐƯỢC MINH OAN NHỜ ADN - KỲ 1

Thoát chết trước giờ hành hình

Những lời tự sự của một tử tù (giấu tên) là nỗi day dứt không chỉ của anh mà của nhiều người Mỹ.

Vào một ngày tháng 1-1985, tại New Orleans, cảnh sát ập vào nhà bà tôi, rút súng ra và la hét ầm ĩ. Tôi đoán họ nghĩ rằng họ đến bắt và dẫn đi một kẻ sát nhân. Cả mấy đứa nhỏ đều sợ hãi và khóc. 

Phép lạ ADN

Hóa ra theo lời cáo buộc của cảnh sát, kẻ sát nhân chính là tôi. Họ bật cuộn băng cassette, Kevin Freeman - tôi biết gã này, nói tôi bắn một người đàn ông. Kevin Freeman cũng đã bị bắt giữ như là nghi phạm của vụ giết chóc. Mấy tuần trước, Kevin Freeman bán cho tôi một chiếc nhẫn và một khẩu súng, giờ thì tôi đứng trước tình tiết chiếc nhẫn đó của nạn nhân và khẩu súng là vũ khí giết người. Lúc bấy giờ tôi 22 tuổi.

Hình ảnh tôi xuất hiện trên báo, tôi bị tuyên có tội. Các luật sư của tôi nghĩ rằng tốt nhất là tôi không khai gì cả tại phiên tòa xử vụ giết người. Vì vậy, tôi không bao giờ tự bảo vệ mình hoặc giải thích rằng tôi lấy chiếc nhẫn và khẩu súng từ Kevin Freeman. Các công tố viên đề nghị mức án tử hình. Tôi không bao giờ quên được lời phán quyết của thẩm phán: Tôi sẽ bị kết thúc sự sống bằng chích điện.

Ngày 1-9-1987, tôi được giải đến khu tử tù của nhà tù bang Louisiana - còn được gọi là Trại Angola kinh hoàng và bị nhốt trong xà lim của một người đàn ông mới bị hành hình mấy ngày trước. Tôi nhận được quyền chọn thời hạn tử hình lần đầu trước khi đến trại. Kể từ đó, tôi liên tục kháng cáo và được người ta cho trì hoãn thời hạn tử hình. Lần thứ bảy - lần cuối cùng, được ấn định: Tôi sẽ chết vào ngày 20-5-1999. 

Trong 11 năm đó, các luật sư luôn sát cánh bên tôi. Họ bay từ Philadelphia đến để cung cấp tin tức cho tôi. Họ không muốn tôi nghe những việc tôi bị kết liễu cuộc đời từ các nhân viên nhà tù. 

Thoát chết trước giờ hành hình ảnh 1

Một người tù (giữa, giơ hai tay) vui mừng vì được trả tự do nhờ kết quả xét nghiệm ADN. Ảnh: usatoday.com

Tôi không sao quên được cái ngày nhận được thư con trai tôi, thằng John, ngay trước ngày thi hành án tử hình.Tôi cầu xin họ cho trì hoãn ngày tử hình bởi điều đó sẽ làm tổn thương con trai mình. Tôi mường tượng cảnh hôm sau, khi thằng John đến trường, cô giáo của nó đọc cho cả lớp nghe bài báo viết về vụ tử hình tôi. Cô giáo không biết tôi là cha của thằng John, cô chỉ cố gắng dạy chúng bài học về đường đời. Vì vậy, nó biết rằng cha nó sẽ bị giết. Tôi hoảng loạn. Tôi cần nói chuyện với nó, trấn an nó.

Phép lạ đã đến với tôi, cũng ngày hôm đó, các luật sư của tôi đến thăm: Thám tử mà họ thuê đã phát hiện trên mấy tấm vi phim bị lãng quên một báo cáo được gửi đến cho các công tố viên nói về loại máu của các thủ phạm trong vụ cướp vũ trang. Đó không phải là máu của tôi, báo cáo viết như thế nhưng bằng chứng đó bị ỉm suốt 15 năm trời. 

Kết quả là cáo buộc cướp có vũ trang được gỡ bỏ vào năm 1999 và tôi được thoát án tử hình. Sau đó vào năm 2002, án tử hình vì tội giết người dành cho tôi được công bố hủy. Tại phiên tòa tái thẩm vào năm sau, bồi thẩm đoàn chỉ mất có 35 phút để tuyên tôi trắng án.

Thoát chết mà lòng không yên

Những ai từ cõi chết trở về mới cảm thấy hết niềm vui cuộc sống. Nhưng các công tố viên tham gia vào hai vụ kết án tôi, trong đó có Harry Connick - người đã giấu nhẹm 10 mẩu chứng cứ vẫn có thể hành nghề luật như không có gì xảy ra. Tại sao họ không bị trừng phạt? 

Khi bằng chứng (bị ỉm) đầu tiên được phát giác, ông Connick - công tố viên tòa án khu vực Orleans, thông báo rằng văn phòng của ông sẽ tổ chức một cuộc điều tra hội đồng hội thẩm (có quyền hạn xét xem có đủ cơ sở truy tố một người nào đó không theo luật pháp Mỹ). Nhưng khi mọi chuyện trở nên rõ ràng về việc có bao nhiêu người liên quan đến vụ nhầm lẫn thì ông lờ đi.

Năm 2005, tôi khởi kiện. Hội đồng xét xử đã nghe theo lời chứng của một công tố viên đặc biệt - người được văn phòng của ông Connick bổ nhiệm hủy bỏ cuộc điều tra. Ông này đã nói với họ: “Chúng tôi muốn buộc tội mấy gã này biết chừng nào nhưng họ không có tội và đó là điều sai lầm”. Hội đồng xét xử phán quyết tôi được nhận 14 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại, tức 1 triệu USD cho một năm bị giam trong khu tử tù, văn phòng công tố tòa án khu vực sẽ chi trả số tiền này. 

Thoát chết trước giờ hành hình ảnh 2

Một nghĩa trang của Trại Angola kinh hoàng được nói đến trong bài. Ảnh: flickr.com

Tôi không quan tâm về tiền bạc. Tôi chỉ muốn biết lý do tại sao các công tố viên lại giấu bằng chứng, đẩy tôi vào tù vì những gì tôi không làm và gần như giết tôi trong chính nhà tù của họ. Không có sự buộc tội nào về đạo đức đối với họ, cũng không có cáo buộc hình sự, không ai bị sa thải và đến giờ, theo phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao, không ai trong số họ có thể bị kiện.

Tệ nhất là tôi không phải là người duy nhất bị họ chơi bẩn. Họ từng kết án tử hình sáu người, năm người trong số đó thoát chết do bản án bị hủy bỏ vì sai trái. Bởi vì chúng tôi bị kết án tử hình, tòa án chỉ định luật sư cho chúng tôi để kháng cáo. 

Tôi gặp may khi có luật sư sát cánh bên tôi qua bao thác ghềnh. Tuy nhiên, ở Louisiana, có hơn 4.000 người bị giam cầm mà không có luật sư. Phải có một người nào đó xem xét những trường hợp này để tìm ra có bao nhiêu người có thể vô tội. Nếu không có vị thám tử tư do công ty luật chuyên nghiệp thuê tìm thấy chứng cứ về máu, tôi đã chết từ đời nào rồi. Đó là điều rất rõ ràng.

Một tên tội phạm nào đó phải bị kết án một cách rõ ràng trong vụ này nhưng đó không phải là tôi. Nếu các công tố viên luôn bình an vô sự sau khi cáo buộc, kết án sai thì sẽ còn có người chết oan. Vì không phải ai cũng được giải tội như tôi khi bằng chứng từng bị các công tố viên giấu nhẹm lại thòi ra trước thời điểm hành hình mình. Họ có thể nguôi nhưng tôi thì không.

Khi tiến trình dùng kết quả ADN để trả tự do cho người vô tội phát triển khắp nước Mỹ mấy năm gần đây, các vụ kết án sai cho thấy chúng gây ra những rạn nứt và xu hướng trong hệ thống pháp luật về hình sự của chúng ta. Đồng thời, những vụ này cho chúng ta thấy hệ thống pháp luật về hình sự của chúng ta có sai sót và cần được điều chỉnh cấp bách như thế nào.

Chúng ta cần tìm hiểu từ thất bại của hệ thống. Chỉ một phần các vụ án hình sự có liên quan đến bằng chứng sinh học có thể phải chịu xét nghiệm ADN và khi bằng chứng kiểu này tồn tại, chúng thường bị mất hoặc hủy sau khi kết án. Khi chúng không có cơ hội tiếp cận với xét nghiệm đáng tin cậy như xét nghiệm ADN, nhiều người bị kết án oan sai ít có cơ hội chứng minh sự vô tội của mình.

(Nguồn: Dự án tư nhân tài trợ nghiên cứu về kết án người vô tội ở Mỹ - PFIP)

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch (Theo nytimes.com, usatoday.com, innocenceproject.org)

Kỳ tới: Sự yếu kém của cơ quan pháp luật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm